Nhìn lại cuộc lấy phiếu tín nhiệm sau một tuần

(Dân trí) - Nhìn một cách tổng thể, các bộ ngành thuộc lĩnh vực kinh tế nói chung được đánh giá cao hơn những bộ, ngành thuộc khối văn xã. Điều này phản ánh đúng một thực tế, đó là sự tăng trưởng khá ngoạn mục của nền kinh tế trong thời gian vừa qua.

Nhìn lại cuộc lấy phiếu tín nhiệm sau một tuần - 1

Cuộc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ lần 3 đã qua 7 ngày, một thời gian đủ để trông lại sự kiện này với cách nhìn được coi là thấu đáo nhất có thể.

Trước hết, việc lấy phiếu các thành viên do Quốc hội bầu và phê chuẩn là bước tiến lớn của tinh thần dân chủ. Nó như một cuộc sát hạch tổng thể của cử tri mà Quốc hội là người đại diện. Một việc làm không nhiều quốc gia có được.

Nhìn lại cuộc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy có sự đồng thuận cao giữa đánh giá của cử tri và Quốc hội.

Ba vị trí cao nhất thuộc về Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh là hoàn toàn chính xác.

Với ba vị trí cuối bảng cũng rất đúng.

Thẳng thắn nhìn nhận, dù nỗ lực, song Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao – Du lịch đều chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Những bê bối trong BOT, sự cố hư hỏng Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và nhiều vụ việc khác đã khiến Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bị suy giảm uy tín trầm trọng trong đợt lấy phiếu này.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với những bê bối thi cử cùng với chính sách điều hành chưa hợp lý khiến ông tụt xuống đáy bảng xếp hạng là điều không phải bàn cãi.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, tuy không có những vụ việc “nổi cộm” nhưng vai trò của ông khá mờ nhạt, nhất là trong bối cảnh sôi động của các bộ ngành. Điều này cho thấy, dù không để xảy ra các vụ việc gây bức xúc mà cả việc ít hành động, thiếu năng động sáng tạo cũng bị đánh giá thấp.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận khách quan, việc xếp hạng thấp của ba bộ này đã có tiền lệ. Ở lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, ba vị tư lệnh ngành các này là ông Đinh La Thăng, ông Hoàng Tuấn Anh và ông Phạm Vũ Luận cũng rất thấp.

Thế nhưng ở nhiệm kỳ thứ hai, nhờ những nỗ lực, hai bộ là GTVT và GDĐT đều có những bước “thăng hạng” khá ngoạn mục.

Tiếc thay ở lần lấy phiếu này, cả hai bộ trên đều “tụt hạng” một cách “thê thảm”.

Trong khi nhiều bộ ngành khác như Y tế, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Tài nguyên & Môi trường đều tăng 6 – 8 bậc.

Đặc biệt là sự “nhảy vọt” của một số bộ, ngành như Ngoại giao (Bộ trưởng Phạm Bình Minh xếp thứ 3), Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (hàng cao nhất trong số các Bộ trưởng là Ủy viên Trung ương), Lao động – Thương binh Xã hội (tăng 13 bậc)…

Nhìn một cách tổng thể, các bộ ngành thuộc lĩnh vực kinh tế nói chung được đánh giá cao hơn những bộ, ngành thuộc khối văn xã. Điều này phản ánh đúng một thực tế, đó là sự tăng trưởng khá ngoạn mục của nền kinh tế trong thời gian vừa qua.

Qua xếp lấy phiếu tín nhiệm còn cho thấy điều đáng lo ngại là ba bộ cuối bảng là những ngành rất quan trọng.

Nói như thế không có nghĩa là các bộ ngành khác ít quan trọng hơn, song không thể phủ nhận GTVT là huyết mạch quốc gia, chỉ cần “tắc mạch” là sẽ ảnh hưởng, thậm chí tê liệt cơ thể. Do sự thành bại của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào lĩnh vực này nên luôn phải đi trước sự phát triển một bước. Tiếc thay, nó lại đang nằm ở vị trí áp chót.

Đối với giáo dục, có lẽ chỉ nhắc lại câu nói của ông Lý Quang Diệu khi sang thăm Việt Nam: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”.

Câu này có thể hiểu ngược lại, nếu thua trong cuộc đua giáo dục, sẽ thất bại trong phát triển kinh tế.

Đối với ngành văn hóa, hãy tưởng tượng đất nước sẽ ra sao, dân tộc Việt Nam sẽ ra sao nếu chúng ta “thua trận” trong lĩnh vực này?

Trở lại với cuộc lấy phiếu tín nhiệm, cuộc sát hạch giữa nhiệm kỳ vừa góp phần động viên, khích lệ những bộ ngành có số phiếu cao đồng thời cảnh báo cho những bộ ngành có số phiếu thấp.

Mong rằng với những vị trí được đánh giá cao vừa qua không ngừng nỗ lực và với những vị trí thấp, sự nỗ lực cần phải gấp đôi, gấp ba, đặc biệt cần phải có những bước đi đột phá.

Đành rằng trong một hàng quân, có người đi đầu thì sẽ phải có người đi cuối. Vì thế mong rằng, nếu như có phải xếp cuối bảng thì tỉ lệ phiếu “tín nhiệm cao” ít nhất sẽ hơn 50%.

Hi vọng rằng cuối nhiệm kỳ này, những ai còn thời gian công tác sẽ tiếp tục tiến bộ. Những ai không còn tuổi, sẽ ngẩng cao đầu bởi những cống hiến của mình cho bộ, ngành và cho đất nước.

Bùi Hoàng Tám