TPHCM triển khai các giải pháp cấp bách để tiết kiệm điện

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Ngay từ những ngày đầu tháng 4, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã liên tục cảnh báo khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tháng 4 sẽ tăng đột biến do lượng điện năng tiêu thụ trong tháng này tăng cao vì thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài liên tục.

Nền nhiệt trung bình trên 35 độ C và lên tới 40 độ C vào buổi trưa đã khiến nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt điện… tại các công ty, xí nghiệp và hộ gia đình tăng cao. Điều đó dẫn tới việc điện năng tiêu thụ sẽ rơi vào bậc 4-5-6 theo quy định về giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương ban hành năm 2023.

TPHCM triển khai các giải pháp cấp bách để tiết kiệm điện - 1

Ngành điện kêu gọi mọi người, mọi nhà cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình và nơi làm việc.

Tiêu thụ điện liên tiếp tăng cao

Cụ thể, tháng 4, sản lượng tiêu thụ của toàn TPHCM đạt hơn 2,75 tỷ kWh so với tháng 3 là 2,44 tỷ kWh, tăng 12,44%. Trong đó có những ngày tiêu thụ điện thành phố vượt 100 triệu kWh/ngày, cụ thể như ngày 24/4 là 101,47 triệu kWh, 25/4 là 103,99 triệu kWh, 26/4 là 103,46 triệu kWh.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, nền nhiệt tháng 5 có giảm so với tháng 4 nhưng vẫn còn ở mức cao, vì vậy Tổng công ty Điện lực TPHCM kêu gọi các khách hàng sử dụng điện duy trì thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện để tiết kiệm chi phí cho bản thân và góp phần đảm bảo nguồn cung cấp điện.

Tình trạng nắng nóng, hạn hán đã làm cho các hồ thủy điện thiếu hụt nguồn nước, có thể gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp điện của cả nước.

Nhằm đẩy mạnh tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn TPHCM trong năm 2024, nhất là giai đoạn cao điểm nắng nóng có nguy cơ thiếu điện do thiếu hụt nguồn nước, UBND TPHCM đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận/huyện, TP Thủ Đức phối hợp cùng Tổng công ty Điện lực TPHCM tăng cường triển khai các giải pháp theo kế hoạch thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo đã được UBND thành phố ban hành.

Trong đó, UBND TPHCM yêu cầu triển khai ngay công tác chủ động xây dựng kế hoạch và các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường tiết kiệm điện, góp phần đảm bảo việc cung cấp điện ổn định trên địa bàn thành phố, tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc.

Tiết kiệm điện để tiết kiệm tiền

Trong số 2,47 triệu khách hàng là hộ gia đình trên địa bàn thành phố, có đến 1,8 triệu khách hàng sử dụng điện từ bậc 4 trở lên (chiếm 75% tổng số khách hàng hộ gia đình), với sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 4 trên 1,44 tỷ kWh (chiếm 52,38% tổng sản lượng và tăng 20% so với tháng 3). Đó chính là nguyên nhân dẫn tới việc hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình trong tháng 4 tăng cao so với các tháng trước.

Ngành điện tiếp tục kêu gọi mọi người, mọi nhà cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình, tại nơi làm việc như: tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện, ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao, có dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao, không sử dụng bóng đèn sợi đốt.

Trường hợp sử dụng máy lạnh thường xuyên cần vệ sinh định kỳ 3 tháng/lần. Việc vệ sinh máy lạnh thường xuyên không chỉ tiết kiệm điện hiệu quả mà còn tăng tuổi thọ cho máy. Nhiệt độ máy lạnh luôn để ở mức 26 độ C trở lên, nếu cài nền nhiệt quá thấp sẽ gây tiêu hao điện quá lớn. Mỗi khi nhiệt độ bên ngoài tăng dao động 1 độ C, các thiết bị điều hòa nhiệt độ, điển hình là máy lạnh sẽ có thể tăng từ 2% đến 3% hiệu suất tiêu thụ điện dẫn đến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng cần điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, mở máy điều hòa trễ 60 phút và tắt máy điều hòa sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc làm việc, tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng, khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tại phòng làm việc.

Các trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ ngoài các yêu cầu trên cần tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí, quảng cáo, bảng hiệu từ 22h, tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ công ty điện lực, khuyến khích sử dụng máy phát điện dự phòng để chủ động thêm nguồn cung cấp điện. Các cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất dịch chuyển một phần các hoạt động sản xuất sau 22h.

Các hệ thống chiếu sáng giao thông điều chỉnh thời gian mở đèn trễ 30 phút và tắt đèn sớm 30 phút so với kế hoạch hiện nay, trên cơ sở đảm bảo an toàn giao thông, giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng từ 22h tại các tuyến đường có lưu lượng giao thông ít. Các hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí nên tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng quảng cáo từ 22h, tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí từ 22h.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm