Nhiều quyết định “rắn” của Bộ Giáo dục & Đào tạo

(Dân trí) - Tuy còn quá sớm để nói lên điều gì nhưng qua một số quyết định của Bộ GD&ĐT gần đây, hình như đang cho thấy một quyết tâm rất cao từ lãnh đạo Bộ nhằm lấy lại uy tín cho một ngành vốn không ít điều tiếng trong dư luận và đặc biệt là tại kỳ bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa qua.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
Một loạt các quyết định rất “rắn” gần đây của Bộ GD&ĐT nhận được sự đồng tình của dư luận.

Đầu tiên phải kể đến là việc không công nhận bằng văn bằng cử nhân và thạc sỹ do nước ngoài cấp cho học viên theo học các chương trình liên kết đào tạo với Trung tâm Công nghệ Đào tạo và Hệ thống Việc làm (ETC) - ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).

Quyết định rất “rắn” này đã gặp phải sự phản ứng từ nhiều người liên quan. Nhưng Bộ GD&ĐT vẫn kiên quyết không công nhận văn bằng này nếu họ không bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Tổ chức kiểm định giáo dục và đào tạo từ xa Hoa Kỳ.

Không thể nói khác, đây là quyết định hợp lẽ bởi nếu không có vốn tối thiểu về ngôn ngữ thì giao tiếp còn khó, nói gì đến chuyện cử nhân, thạc sĩ…

Quyết định “rắn” thứ hai là không chấp nhận đề xuất của Trường Đại học Y Hà Nội và Bộ Y tế về việc xem xét cho trường tuyển thêm 150 chỉ tiêu (hệ ngoài ngân sách) cho các thí sinh đạt từ 26- 27,5 điểm.

Đây cũng là một quyết định dũng cảm, hợp lý, hợp tình, hợp lẽ.

Về lý, đã là cuộc thi thì có người đỗ, người trượt. Ai đủ điểm thì đỗ, ai không đủ điểm thì trượt. Đơn giản là thế.

Về tình, những thí sinh đã đạt 26 - 27 điểm chắc chắn sẽ không chỉ đỗ một trường nên nhiều cánh cửa trường đại học vẫn luôn mở rộng với các em.

Về mặt xã hội, rút kinh nghiệm từ những năm trước, Bộ GD&ĐT quyết định không lặp lại sai lầm của quá khứ. Giai đoạn 2008, chúng ta đã từng có loại trường này, sau đó nảy sinh một loạt các tiêu cực rồi phải rất vất vả lắm, năm 2011 mới dẹp bỏ được.

Gần đây nhất, là việc Bộ GD & ĐT ban hành Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của giáo dục tiểu học năm học 2013-2014, trong đó quy định : Đối với lớp Một, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh; nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh; giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.

Đây là một chủ trương tốt, mang tầm khoa học và chiến lược.

 

Ở tuổi lên 6, các em đang trong quá trình chuyển đổi để thích nghi, làm quen… Nếu bị ép rèn chữ, làm toán quá căng thẳng sẽ không đảm bảo về sức khỏe trí tuệ cho tương lai.

 

Hiện nay, trước khi vào lớp Một, nhiều bậc phụ huynh đã tìm thầy cô giáo để dạy trước cho con nên việc chấm điểm không thể chính xác, công bằng. Điều này cũng tạo ra phong trào khiến phụ huynh “chạy” theo việc cho con học trước lớp Một.

Trẻ lớp Một là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ về tâm lý nên việc chấm điểm học tập sẽ tạo áp lực rất lớn đối với học sinh. Các em sẽ so sánh kết quả học tập của mình với bạn bè và cảm thấy mình kém cỏi hơn nên dễ rơi vào tình trạng phải học đuổi, học quá tải.

Mặt khác, không nên để đứa trẻ 6 tuổi đầu đã bị áp lực điểm số, ganh đua, hiếu thắng. Ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến, người ta còn không cho các em làm lớp trưởng, chỉ có cô giáo chủ nhiệm làm quản lý lớp.

Tuy còn quá sớm để nói lên điều gì nhưng qua một số quyết định của Bộ GD&ĐT gần đây, hình như đang cho thấy một quyết tâm rất cao từ lãnh đạo Bộ nhằm lấy lại uy tín cho một ngành vốn không ít điều tiếng trong dư luận và đặc biệt là tại kỳ bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa qua.

Mong rằng bằng sự dũng cảm, táo bạo ngành giáo dục lấy lại niềm tin cậy của nhân dân đang ít nhiều sứt mẻ, đặc biệt là lấy lại hình ảnh của mình trong kỳ bỏ phiếu tín nhiệm năm sau.

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!