Nhà đầu tư chứ đâu phải đứa trẻ lên ba ngờ nghệch!

(Dân trí) - Nói cho cùng, chẳng ai muốn mất tiền, cũng không ai muốn tự biến mình thành nạn nhân cả. Chỉ có điều, nhìn lại quá khứ, những vụ rò rỉ thông tin về việc bắt bầu Kiên, bắt lãnh đạo VNCB, bắt Hà Văn Thắm... đã từng “nhuốm đỏ” thị trường và rồi được xác thực không khỏi khiến người ta băn khoăn trước những tin đồn mới.

Nhà đầu tư chứ đâu phải đứa trẻ lên ba ngờ nghệch! - 1

Cách đây chỉ vài ngày, cả thị trường chứng khoán rúng động vì một tin đồn. Nhà đầu tư tháo chạy. Hàng trăm mã cổ phiếu không kể tốt - xấu, nhỏ - to đều bị bán tháo giữa cơn hoảng loạn của thị trường.

Khoảng 2 tỷ USD là con số thiệt hại mà người ta thống kê được sau khi thị trường đóng cửa phiên 9/8. Một ngày sau đó, đích thân Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải đứng ra trấn an, kêu gọi các doanh nghiệp và nhà đầu tư bình tĩnh, tin tưởng vào thị trường chứng khoán công khai, minh bạch, sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thay vì tin vào những tin đồn thất thiệt.

Đây không phải là lần đầu tiên chứng khoán Việt Nam bị chao đảo trước những lo ngại thái quá của giới đầu tư vì tin đồn hoặc một sự kiện nào đó diễn ra.

Chẳng hạn phiên giao dịch đầy đen tối ngày 21/2/2013, cũng liên quan đến tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt, thị trường “đổ sập” với lệnh bán diễn ra trên diện rộng, kéo VN-Index mất hơn 18 điểm. Phiên 21/8/2015, tin “vịt” ông Đặng Thành Tâm bị bắt dìm sàn trên 60 mã cổ phiếu, VN-Index mất hơn 24 điểm.

Hầu hết, sau những phiên giảm sâu nói trên, thị trường hồi phục trở lại. Tuy nhiên, với những người đã lỡ theo tâm lý đám đông mà bán tống bán tháo cổ phiếu ở vùng giá thấp thì thiệt hại khó mà kể hết. Vậy được lợi là ai? Đương nhiên là những nhà đầu tư được xếp vào diện “tỉnh táo” khi nhân lúc rối ren để “gom hàng” giá rẻ.

Cuộc sống vốn dĩ chẳng thiếu những tin đồn. Đó có khi chỉ là vài ba câu chuyện làm quà lúc trà dư tửu hậu, có khi là đôi câu nói, phát ngôn bâng quơ vô hại. Những cũng có những thứ tin đồn rất nguy hiểm, người nói có thể có hoặc không có mục đích, nhưng đưa ra vào đúng thời điểm nhạy cảm thì sức “công phá” của nó có thể làm đảo lộn cuộc sống của một hoặc nhiều người, làm xáo trộn tình hình an ninh trật tự. Mà trên thị trường tài chính, chứng khoán, tin đồn luôn gắn liền với lợi ích kinh tế, với tiền bạc, vật chất.

Cổng thông tin điện tử của Chính phủ dẫn lại phát biểu của Thiếu tá Dương Thu Ngọc, đại diện Cục An ninh tiền tệ (A84) tại Diễn đàn An ninh tài chính và cạnh tranh doanh nghiệp mới đây cho biết, hoạt động của các doanh nghiệp trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng và đầu tư có một số diễn biến phức tạp. Một số cá nhân, doanh nghiệp, ngân hàng không còn cạnh tranh đơn thuần, mà đang tinh vi, quyết liệt hơn trong các giao dịch nội gián, đánh cắp thông tin của đối phương, tung tin đồn thất thiệt để triệt phá nhau, “chạy chính sách”, tạo điều kiện cho “sân sau” hoạt động…

Nói cách khác, đằng sau những tin đồn tưởng vô thưởng vô phạt đó có thể là những âm mưu phá hoại, những tính toán thiệt - hơn rất bài bản. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của công an để lôi những kẻ chủ mưu ra ánh sáng. Song có vẻ như, số vụ việc được giải quyết không thật nhiều, ngay cả khi truy tìm ra thủ phạm thì mức phạt cũng không đủ sức răn đe, đơn cử như vụ đồn đại ông Trần Bắc Hà bị bắt hồi năm 2013, có 3 kẻ tung tin bị “lôi ra ánh sáng” nhưng cũng chỉ bị phạt hành chính đơn thuần.

Ở đây, người viết chỉ băn khoăn một điều, rằng, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đâu phải là những đứa trẻ lên ba ngờ nghệch để bị “lừa”, bị “xỏ mũi” hết lần này sang lần khác? Vì sao khi người trong cuộc đã lên tiếng về tin đồn và đại diện Tổng cục Cảnh sát đã bác bỏ nhưng thị trường vẫn tiếp tục lún sâu?

Nói cho cùng, chẳng ai muốn mất tiền, cũng không ai muốn tự biến mình thành nạn nhân cả. Chỉ có điều, nhìn lại quá khứ, những vụ rò rỉ thông tin về việc bắt bầu Kiên, bắt lãnh đạo VNCB, bắt Hà Văn Thắm... đã từng “nhuốm đỏ” thị trường và rồi được xác thực không khỏi khiến người ta băn khoăn trước những tin đồn mới.

Dẫu rằng, về lý thuyết ai cũng hiểu nguyên tắc đầu tư thành công là “hãy tham lam khi thị trường sợ hãi và hãy biết sợ hãi khi thị trường tham lam”, nhưng khi “đồng tiền gắn liền khúc ruột”, nhìn hàng xóm bỏ chạy, ai chẳng có lúc sốt sắng,chồn chân?

Chính vì vậy, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã làm rất tốt việc xây dựng những nền tảng cơ bản nhất cho thị trường, hỗ trợ kinh tế vĩ mô phát triển, nhưng vốn dĩ, đầu tư là hành động dựa trên niềm tin, kỳ vọng. Và những hạt mầm niềm tin đó chỉ có thể sinh sôi, phát triển trên mảnh đất thông tin minh bạch, không còn bị những mảng sương mù mờ ảo che khuất, làm cho méo mó, biến dạng.

Bích Diệp