“Ngũ ệ”, “ngũ chạy” và liệu có còn thêm những “ngũ” gì nữa đây!?

(Dân trí) - Cái vòng “chức – quyền”, “danh – lợi” ấy càng nguy hiểm hơn, khi nó gắn bó khăng khít với nhau. Có chức, ắt có quyền. Có quyền, ắt có danh. Có danh, ắt có lợi… vậy nên người ta đua nhau trong cuộc marathon trong vòng xoáy không bao giờ ngơi nghỉ để rồi nếu không may “gặp nạn”, họ dùng đến phương tiện cuối cùng: “Chạy tội”.

“Ngũ ệ”, “ngũ chạy” và liệu có còn thêm những “ngũ” gì nữa đây!? - 1

“Đầy lo ngại” – Một cảm giác khó có thể nói khác đối với bản báo cáo của Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vừa gửi Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn dự kiến vào hôm nay, 13/6.

Sau khi đánh giá "tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội và trong cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng", vị tư lệnh ngành văn hóa đã chỉ ra một loạt những vấn đề rất đáng lo ngại.

Đó là bạo lực gia đình, là lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng lạc, vô cảm có chiều hướng lan rộng. Là thói dối trá, đạo đức giả, gian lận trong bằng cấp, thi cử. Là bệnh hình thức, sùng ngoại, coi thường giá trị văn hóa, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân, vị kỷ của một bộ phận giới trẻ đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Là tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên đã có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, lợi dụng vị trí lãnh đạo và quyền lực để mưu lợi cá nhân, lo thu vén cho bản thân, gia đình, họ tộc, coi nhẹ lợi ích tập thể, cộng đồng chạy theo lợi ích vật chất trước mắt, coi nhẹ những giá trị tinh thần cao đẹp, dẫn đến vi phạm tư cách đảng viên, trách nhiệm công dân.

Vị tư lệnh ngành cũng chỉ ra những biểu hiện, đạo đức truyền thống giàu giá trị nhân văn, yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc con người trong hoạn nạn, khó khăn đang bị chi phối. Tính cộng đồng dân cư “tối lửa tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần’’ bị rạn nứt. Hiện tượng vô cảm, bàng quan, thờ ơ trước nỗi đau cộng đồng...

Buồn hơn, Bộ trưởng Thiện còn chỉ ra “bảng ngũ chạy”, là chạy chức, chạy quyền, chạy danh, chạy lợi, chạy tội.

Chao ôi! Chỉ cách đây mấy hôm, ĐB Lê Thanh Vân đã cho ra bảng “ngũ ệ” gồm hậu duệ, quan hệ, đồ đệ, tiền tệ và cuối cùng mới là trí tuệ thì giờ đây, Bộ trưởng Thiện lại chỉ ra “bảng ngũ chạy”.

Tuy nhiện, nếu bảng “ngũ ệ” có ở mọi tầng lớp thì đối với bảng “ngũ chạy” của Bộ trưởng Thiện, đối tượng chủ yếu là người có chức, có quyền hoặc ít nhất là có thể có chức, có quyền.

Chạy chức chỉ dành cho người đã (hoặc có thể) có chức muốn lên cao hơn nữa. Chạy quyền cũng tương tự, dành cho người đã (hoặc sắp có) quyền, muốn có quyền to hơn nữa. Đây có thể coi như cặp phạm trù tuy hai mà một. Khi có chức, ắt có quyền và khi có quyền, tức là đã có chức.

Đối với danh lợi cũng tương tự. Là những người đã (hoặc có thể) có danh, muốn “danh” hơn cao nữa. Đã có lợi (hoặc có thể có lợi) muốn lợi nhiều hơn nữa. Khi đã có danh, thường là có lợi và khi đã có lợi, cũng không khó để mua danh.

Cái vòng “chức – quyền”, “danh – lợi” ấy càng nguy hiểm hơn, khi nó gắn bó khăng khít với nhau. Có chức, ắt có quyền. Có quyền, ắt có danh. Có danh, ắt có lợi… vậy nên người ta đua nhau trong cuộc marathon trong vòng xoáy không bao giờ ngơi nghỉ để rồi nếu không may “gặp nạn”, họ dùng đến phương tiện cuối cùng: “Chạy tội”.

Và khi đó, tất nhiên thân bại, danh liệt, tiền cũng ít nhiều đội nón ra đi.

Song, hậu quả của “vòng xoáy” chức – quyền – danh – lợi ấy để lại với xã hội không hề nhỏ. Chính nó là cội nguồn của mọi suy thoái về văn hóa, đạo đức và lối sống.

Một nền hành chính mà xuất hiện hiện tượng “ngũ ệ” thì không “hành dân là chính” mới lạ.

Một xã hội mà xuất hiện hiện tượng “ngũ chạy” thì đạo đức xã hội làm sao không xuống cấp, không suy thoái.

Trong khi đó, biết đâu rồi sẽ không chỉ có “ngũ ệ” và “ngũ chạy” mà còn xuất hiện thêm “ngũ này” hay “ngũ khác” nữa? Buồn lắm thay và lo ngại lắm thay!

Bùi Hoàng Tám