Tinh giản biên chế, “bảng xếp hạng ngũ ệ” và ngồi nhìn nhau mà… khóc!
(Dân trí) - Mọi công việc khó khăn, gian khổ, cần đến chuyên môn đều trông cả vào đám “trí tuệ” vốn được coi là “khổ sai” này, giờ mà “giản” nó thì chỉ có nước ngồi nhìn nhau mà… khóc. Nói thế thôi chứ đám “trí tuệ” đừng ảo tưởng vì vẫn là nguy cơ nhất bởi cái cơ chế trách nhiệm của ta lúc này thì… mọi việc đều có thể. Với lại nên nhớ “trí tuệ” nằm cuối cùng trọng “bảng xếp hạng ngũ ệ” hiện nay.
Việc tinh giản biên chế dù được đề ra rất quyết liệt, với rất nhiều quyết tâm cùng những khẩu hiệu nhưng cho đến nay hình như càng ngày càng tắc.
Lý do thì nhiều, rất nhiều. Nào là thủ tục nhiêu khê, nào là “đặc trưng công việc”… Song, có một tâm lý đang rất phổ biến, được chính Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói trong nghị trường Quốc hội, đó là: “Giảm đâu thì giảm nhưng đừng giảm chỗ tôi”.
Không, thưa Bộ trưởng, có nhiều nơi còn hơn thế. Tức là giảm chỗ khác nhưng… tăng chỗ tôi.
Ai cũng biết bộ máy hành chính của ta là khổng lồ. Nước Mỹ với dân số gấp 3 lần nước ta, diện tích gấp chục lần nhưng số nhân viên công vụ chỉ bằng 1/3 (gần 1 triệu/ gần 3 triệu) của Việt Nam.
Ai cũng nói là cần phải tinh giản, phải giảm nhưng giảm ai bây giờ bởi như lời than thở của ĐB Lê Thanh Vân nói về con đường để đề bạt, cất nhắc, hiện tượng cả họ làm quan, bổ nhiệm thân hữu: “Như câu vè của dân gian hay nói: Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba đồ đệ, bốn tiền tệ, trí tuệ còn đâu?”.
Ơ, nếu đúng thế thì khó thật nhỉ.
Bởi vì với nhóm “hậu duệ”, xin thưa, thành phần này thì đừng có mơ mà tinh với giản. Động vào đám này là động vào “hoàng thân, quốc thích”, ông bà nào to gan, có khi bị “giản” trước.
Với nhóm “quan hệ”, hơ, đó là con chị Ba, cháu anh Tư nhé. Rồi ông “giản” cháu tôi thì tôi “giản” con ông. “Tổ đổi công” rồi, trước ông nhận con tôi, tôi nhận cháu ông, tế nhị mà biết điều với nhau, nhé.
Vơi nhóm “đồ đệ” thì cũng không được bởi nó là chỗ hầu hạ “dạ - vâng”, sáng khuya “tối lửa, tắt đèn” có nhau. Nó cúc cung phục vụ không chỉ bản thân mà cả gia đình, vợ con, cháu chắt đến họ hàng giờ bỏ nó sao đành. Với lại, lấy ai mà sai, mà khiến. Đó là chưa kể những chuyện “kín cổng, cao tường” nó đều biết rõ chân tơ kẽ tóc. Nguy hiểm lắm!
Với nhón “tiền tệ” lại càng khó. Cầm tiền cầm của, giờ đuổi người ta ra đường thì khác gì… lừa đảo. Mà cái đám đã mất tiền, dễ “lành làm gáo, vỡ làm muôi” lắm lắm. Biết đâu tiếc của, nó làm cái đơn đích danh thì không “xanh cỏ” cũng “đỏ mặt”.
Suy cho cùng, chỉ còn đám “trí tuệ” là có thể “tinh giản” bởi bọn này “cha căng, chú kiết”, chẳng “hậu duệ”, không “quan hệ”, chẳng “đồ đệ” và cũng không “tiền tệ”. Đã thế lại ngang, lại hay cãi, lại…. vô cùng nhiều cái ngứa tai, gai mắt.
Cho nên “giản” cái đám này là dễ nhất. Thậm chí, làm nhiều chắc chắn sẽ có khi sai. Lúc ấy thì lấy phép công ra trị, kiếm cớ đuổi việc cũng phải cắn răng mà chịu.
Ơ! Thế nhưng khổ nỗi đó lại là đám “bạo lực lao động”. Mọi công việc từ nhỏ đến lớn đều đến tay, “cổ cày, vai bừa” chứ đám “hậu duệ” thì vừa dốt, vừa lười. Đám “quan hệ” thì ỷ thế, suốt ngày õng ẹo. Đám “đồ đệ” thì chỉ giỏi hầu hạ dạ vâng việc nhà, việc cửa. Nhóm “tiền tệ” thì suốt ngày lo quay quắt để thu hồi vốn và… sinh lãi.
Mọi công việc khó khăn, gian khổ, cần đến chuyên môn đều trông cả vào đám “trí tuệ” vốn được coi là “khổ sai” này, giờ mà “giản” nó thì chỉ có nước ngồi nhìn nhau mà… khóc.
Nói thế thôi chứ đám “trí tuệ” đừng ảo tưởng vì vẫn là nguy cơ nhất bởi cái cơ chế trách nhiệm của ta lúc này thì… mọi việc đều có thể. Với lại nên nhớ “trí tuệ” nằm cuối cùng trọng “bảng xếp hạng ngũ ệ” hiện nay.
Bùi Hoàng Tám