Nghiêm trị trung thần tất sẽ trọng dụng nịnh thần, gần gũi gian thần?!
(Dân trí) - Gần gũi người tử tế, trọng dụng người tài, nghe lời trung thần còn chẳng chắc đã nên cơ đồ huống hồ lại làm ngược lại, “xa lánh, nghiêm trị trung thần, lắng nghe, trọng dụng nịnh thần, gần gũi gian thần” thì không là thảm họa mới là lạ.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Dạy đạo làm người, tổ tiên ta đã có không ít những câu thành ngữ như “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, “Ở ống thì dài, ở bầu thì tròn”, “Chọn bạn mà chơi, chọn xóm mà ở”…
Trong đạo làm quan, cũng đã có không ít những lời tương tự và còn có những yêu cầu cao hơn, đó là trọng dụng hiền sĩ, nghe lời trung mà bỏ lời gian…
Song, tại buổi thảo luận các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã đưa ra nhận xét rất đáng lo ngại:
“Người lãnh đạo phải trọng dụng, gần gũi, lắng nghe trung thần, xa lánh, cảnh giác trước nịnh thần, nghiêm trị gian thần.Trên thực tế thì có hiện tượng ngược lại, xa lánh, nghiêm trị trung thần, lắng nghe, trọng dụng nịnh thần, gần gũi gian thần”.
Những điều ĐB Nghĩa rất đáng lo ngại bởi làm quan, thời nào cũng vậy, việc đầu tiên để giữ cho mình và giữ cho cái thanh danh của đạo làm quan. Muốn vậy, đối với trung thần không chỉ cần được trọng dụng mà phải gần gũi, lắng nghe, cầu hiền, đãi sĩ…
Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Hãy nói cho tôi biết bạn của bạn, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào”. Còn các cụ ta thì nói giản dị: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.
Vì thế, những ai xa lánh trung thần ít nhất cũng là kẻ ngu dốt còn nghiêm trị trung thần thì chắc chắn là lũ gian manh.
Và như một tất yếu, nếu xa lánh và nghiêm trị trung thần, tất sẽ “lắng nghe, trọng dụng nịnh thần” và “gần gũi gian thần”.
Nói thẳng ra, gần gũi người tử tế, trọng dụng người tài, nghe lời trung thần còn chẳng chắc đã nên cơ đồ huống hồ lại làm ngược lại, “xa lánh, nghiêm trị trung thần, lắng nghe, trọng dụng nịnh thần, gần gũi gian thần” thì không là thảm họa mới là lạ.
Thế nên ĐB Nghĩa đã nói thẳng: “Rất nhiều việc, nhiều thiệt hại là do khuyết điểm, sai phạm, suy thoái đạo đức chủ quan của cán bộ, công chức, bộ máy của chúng ta, chẳng phải do âm mưu bên ngoài hay thế lực thù địch nào. Cây có lõi tốt thì không sợ mối mọt. Lịch sử nước ta đã chỉ rõ: Vua có đường lối đúng, quan không tham, tướng không hèn, lòng dân yên thì đất nước hưng thịnh, và không sợ bất kỳ thế lực ngoại xâm nào”.
Lại thêm một câu quá đúng!
Nhiều và rất nhiều những sai phạm, khuyết điểm, tham ô, tham nhũng xảy ra thời gian qua là bởi suy thoái đạo đức của cán bộ, công chức chứ “chẳng phải do âm mưu bên ngoài hay thế lực thù địch nào” phá hoại như vậy cả.
Vả lại, như ĐB Nghĩa ví von, nếu như cây có lõi tốt thì lũ mối mọt cũng chỉ còn cách đứng ngoài mà… khóc.
Cách đây hơn 500 năm, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung (1418-1499) đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên”.
Xin hãy lắng nghe lời tiên tổ và xin cám ơn ĐB Nghĩa đã nói hộ lòng dân.
Bùi Hoàng Tám