Nghĩ về tinh thần thượng tôn pháp luật của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

(Dân trí) - Người xưa có câu, “Bề trên ở chẳng chính ngôi – Để cho bề dưới chúng tôi lăng loàn”… và cũng có câu: “Giọt trước rỏ đâu, giọt sau rỏ đấy” hay “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”. Một chính phủ mà ở đó, mỗi thành viên đều gương mẫu “thượng tôn pháp luật” cùng với việc “tăng cường kỷ luật, kỷ cương”, chắc chắn khi đó, xã hội sẽ nghiêm minh, luật pháp được tôn trọng...


(Minh họa: Ngọc Diêp)

(Minh họa: Ngọc Diêp)

Trong vòng hơn 3 tháng (7/4 – 26/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có hai lần tuyên thệ nhậm chức. Ngày 7/4/2016, ông được Quốc hội khóa XIII bầu làm Thủ tướng Chính phủ và mới đây, ngày 26/7, ông tiếp tục được Quốc hội XIV bầu vào chức vụ này.

Hơn một trăm ngày qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để giải quyết khó khăn trước mắt đồng thời hướng tới xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, hiệu quả, làm gương cho xã hội về nói đi đôi với làm...

Cũng như lời phát biểu trong lễ tuyên thệ lần trước, Thủ tướng cam kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, tập trung toàn lực xây dựng và phát triển đất nước… Song với người viết bài này, ông đặc biệt ấn tượng với cam kết xây dựng một nhà nước pháp quyền, một chính phủ liêm chính và gương mẫu.

Về xây dựng nhà nước pháp quyền, phát biểu trong lễ tuyên thệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lời Đức vua Lê Thánh Tông, Bộ Luật Hồng Đức và lời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Phúc nói:

“Với việc ban hành Bộ luật Hồng Đức từ thế kỷ thứ 15, Vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta từ rất sớm. Nhà vua nói:“Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”.

Năm 1919, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành - Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Nguyên tắc này vẫn là thông điệp đúng đắn cho chúng ta hôm nay.

Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; quyết liệt phòng chống tham ô, lãng phí và nhũng nhiễu người dân. Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh”.

Không thể nói khác, trên đây là những lời phát biểu rất thuyết phục. Nói “rất thuyết phục” bởi Thủ tướng đã dẫn lời của Đức vua Lê Thánh Tông “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo” và cam kết: “Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật”.

Đây là cam kết là từ chính Chính phủ mà ông là người đứng đầu bởi ông biết, nhân dân không thể chấp nhận một chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật mà chính phủ đó lại không “nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật”. Nhân dân cũng không thể chấp nhận một chính phủ “nói một đằng, làm một nẻo” và càng không thể chấp nhận trong bộ máy quản lý nhà nước có những “ông vua con” như sự ví von của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người xưa có câu, “Bề trên ở chẳng chính ngôi – Để cho bề dưới chúng tôi lăng loàn”… và cũng có câu: “Giọt trước rỏ đâu, giọt sau rỏ đấy” hay “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”.

Một chính phủ mà ở đó, mỗi thành viên đều gương mẫu “thượng tôn pháp luật” cùng với việc “tăng cường kỷ luật, kỷ cương”, chắc chắn khi đó, xã hội sẽ nghiêm minh, luật pháp được tôn trọng. Sẽ không còn những vụ tham nhũng như ở Vinashin, Vinalines, Ngân hàng Xây Dựng… và cả những vụ việc như đối với các ông Trần Văn Truyền, Vũ Huy Hoàng,Trịnh Xuân Thanh...

Bởi Thủ tướng đã cam kết “khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh”.

Thành thật, đây là những từ không mới, thậm chí đã có phần “bội thực” nhưng với quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ này, người dân hoàn toàn có quyền hi vọng và tin tưởng.

Một khi có một chính phủ liêm chính như cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn sẽ xây dựng được một xã hội liêm chính, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám