Nghệ thuật kinh doanh “mua trấu, bán tro”, “mua vôi củ, bán vôi bột”

(Dân trí) - Câu chuyện về “con tàu” Vinashin – Vinalines đã trôi qua nhiều năm, những người “chèo lái” con thuyền lao xuống vực thẳm này đang ngồi trong khám nhưng di chứng của nó thì vẫn còn dai dẳng không biết đến bao giờ mơi chấm dứt.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Gần đây, dư luận lại một lần nữa nhức nhối bởi chiếc ụ nổi 83M cách đây 8 năm (năm 2008) được mua với giá cao ngút ngát, 9 triệu USD. Tính đến nay, cộng cả số tiền trông nom, bảo dưỡng, bến bãi cái ụ nổi chưa một lần được sử dụng này có giá lên đến hơn 460 tỉ đồng. Thế nhưng nó cũng đang được định giá ở mức… ngút ngát thấp, gần 35 tỉ đồng, tức là già nửa con số lẻ và chưa bằng 1/10 số tiền nhà nước bỏ ra.

Đọc đến đây, chắc không ít người giật mình đặt câu hỏi, sao lại có chuyện mua bán… ngu ngốc đến vậy?

Người xưa có câu “Mua vôi củ, bán vôi bột” hay “Mua trấu, bán tro” để chỉ những người kinh doanh kém cỏi hoặc không may mắn. Thế thì ở trường hợp “mua ụ nổi, bán sắt vụn” này thì hơn cả sự… ngu ngốc.

Thế nhưng không phải thế. Họ khôn, rất khôn, thậm chí còn… ranh ma, tinh quái nữa bởi nếu tính đúng, tính đủ, giá cái ụ nổi không lỗ đến mức đó. Khi mua, nó đã được khai khống lên nhiều lần.

Cụ thể, theo kết luận tại phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng bọn, chiếc ụ nổi này chỉ có giá hơn 2 triệu USD, tức là theo giá USD hiện tại, nó trị giá khoảng 45 tỉ VND, cộng cả chi phí khoảng 50 tỉ, tổng số có lẽ chỉ khoảng gần 100 tỉ đồng. Nếu bán với giá 35 tỉ thì chỉ lỗ có… 2/3. Thế nhưng ngay từ khi mua, nó đã được “khống” lên tới giá 9 triệu USD, chênh 7 triệu USD, cao gấp hơn 4 lần giá trị thật. (Tương tự, một trạm biến áp tại Quy Nhơn nhà thầu trúng thầu với giá 30 tỉ đồng, khi đấu giá lại, số tiền cuối cùng chỉ là 7 tỉ, chênh lệch tới 23 tỉ đồng). Một con số thất thoát khổng lồ.

Tuy gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, số tiền rất lớn song việc đền bù khi bị phát hiện thì rất “khiêm tốn”. Theo nhà báo Thế Kha, báo Dân trí, bài “Đã thu hồi được bao nhiêu tài sản trong vụ Vinalines, Huyền Như?”, tính đến tháng 8/2015, “trong tổng số tiền các đương sự phải bồi thường cho Vinalines trên 358,930 tỷ đồng. Bản án tuyên kê biên 3 căn hộ và nhà đất của Dương Chí Dũng - cựu Chủ tịch Vinalines, để đảm bảo thi hành án; kê biên 1 nhà, đất của Mai Văn Phúc - cựu Tổng giám đốc Vinalines, để đảm bảo thi hành án.

Đến nay gia đình các đương sự đã tự nguyện nộp số tiền là 13 tỷ 429 triệu đồng; trong đó, gia đình Dương Chí Dũng đã nộp 5,2 tỷ đồng và gia đình Mai Văn Phúc đã nộp 3,889 tỷ đồng tại Cục Thi hành án dân sự Hà Nội; gia đình Trần Hữu Chiều - cựu Phó tổng giám đốc Vinalines, đã nộp 340 triệu đồng; gia đình Trần Hải Sơn - cựu Tổng giám đốc Vinalines, đã nộp 4 tỷ đồng”.

Không biết những căn hộ và nhà đất trên trị giá bao nhiêu nhưng có lẽ chắc tổng số tiền bồi thường không đủ, dù là con số lẻ của 359 tỉ đồng, chưa kể số tiền thất thoát kiểu “mua ụ nổi, bán sắt vụn” như đã nói ở trên.

Cũng cần nhắc lại, trong vụ án Vinashin, cho đến cuối năm 2015 vẫn chưa thu hồi được đồng nào trong số tiền 500 tỉ đồng mà tòa tuyên Phạm Thanh Bình phải bồi thường. Ngay cả tiền án phí 650 triệu, trước tòa Phạm Thanh Bình cũng thẳng thừng là… không có.

Làm ăn thế, tham nhũng thế, thu hồi thế… đất nước không kiệt quệ, nợ xấu không tăng chóng mặt mới là lạ.

Hi vọng rằng sau thành công của Đại hội Đảng 12 vừa qua, nạn tham nhũng sẽ được đẩy lùi, những vụ việc như “con tàu” Vinaline, Vinashin vĩnh viễn không còn “tái xuất”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám