Ngành nào tham nhũng nhất?

(Dân trí) - Có lẽ không ít người Việt Nam chúng ta đã từng đặt ra câu hỏi này và đây cũng là một trong những câu hỏi quan trọng nhất, được chờ đợi nhất từ Nhóm nghiên cứu về chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2011.

Ngành nào tham nhũng nhất?
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Kết quả khảo sát cho thấy khám chữa bệnh và xin việc đứng đầu danh sách cần đưa hối lộ.
Tuy nhiên, theo mình thì kết quả này chưa chắc đã chính xác. Lý do là ở ta, tham nhũng có mặt ở mọi ngành, mọi nghề và mọi đối tượng. Nhớ lại cách đây 5 năm, mình có bài: “Hai câu chuyện giật mình, thưa Quốc hội” (http://dantri.com.vn/c0/s0-189073/hai-cau-chuyen-giat-minh-thua-quoc-hoi.htm) kể về tệ nhũng nhiễu, hạch sách. Chuyện thứ nhất là khu nhà cơ quan mình thuê một công ty bảo vệ. Trong điều 4 bản Nội quy của công ty ghi nguyên văn như sau: “Nghiêm cấm nhân viên bảo vệ lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được phân công để gây sách nhiễu, phiền hà, vòi vĩnh ăn hối lộ...”. Chuyện thứ hai do một vị nguyên là đại biểu Quốc hội khoá X kể lại rằng cạnh nhà ông có cậu bé đang học lớp 2 (tức là 7 - 8 tuổi). Mỗi buổi sáng, cậu thường xin mẹ 5 ngàn đồng ăn quà. Thế nhưng mấy bữa liền, cu cậu nằng nặc đòi xin 7 ngàn đồng. Người mẹ dỗ dành, tra hỏi mãi, cu cậu mới khai lý do là để "biếu bạn lớp trưởng để khỏi bị mách cô giáo khi mắc lỗi".

Hơ! Từ ông bảo vệ được thuê để trông coi nhà mình cho đến các cu cậu học lớp hai cũng có quyền nhũng nhiễu vòi vĩnh, đã biết đưa và nhận hối lộ thì nói như cố giáo sư Hoàng Ngọc Hiến là “Cái nước mình nó thế”. Zui zẻ thật!

Trở lại với kết quả PAPI được công bố trên một số tờ báo, số tiền trung bình mỗi năm người dân phải “bôi trơn” là 7,4 triệu đồng. Trong đó, 31% số người trả lời việc đưa hối lộ là cần thiết khi đi khám chữa bệnh. Đáng lưu ý, số tiền phải chi ngoài quy định cho y, bác sĩ lớn nhất lên tới 29,2 triệu đồng/lần (Cà Mau). Thấp nhất 5 nghìn đồng/lần (Điện Biên). 50,18% số người đã đi khám, chữa bệnh hoặc có người thân đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện đã hối lộ cán bộ y tế để được chăm sóc tốt hơn. Tại Quảng Ngãi, 100% số người được hỏi trả lời phải đưa thêm tiền ngoài cho y, bác sĩ. Tỷ lệ thấp nhất là tại Đăk Nông với 19,83%.

Trong lĩnh vực giáo dục, 17% người được hỏi đã phải hối lộ để con em được quan tâm hơn. Cụ thể, mỗi học kỳ trung bình những phụ huynh này phải chi 1,2 triệu đồng tiền "phong bì" cho giáo viên, có người phải chi tới 10 triệu đồng.

Đa số người dân cho rằng chính quyền tỉnh, thành phố chưa xử lý nghiêm các vụ tham nhũng được phát hiện. Tỷ lệ này ở Hà Nội là cao nhất 50,66%, thấp nhất là Bạc Liêu 5,39%.

Đối với mức tiền hối lộ để có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân Hải Phòng dường như phải chi nhiều nhất bởi giá trị trung bình là 9,8 triệu đồng.

Theo ông Hà Công Long, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, PAPI đã phản ánh phần nào tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Những thông tin, số liệu, nhận định của PAPI rất quan trọng, là nguồn tham khảo của các đại biểu Quốc hội khi tham gia hoạt động lập pháp, giám sát, chất vấn...

Có thể nói đây là cuộc khảo sát quy mô nhất từ trước đến nay, được thực hiện ở tất cả 63 tỉnh thành. Tuy nhiên, với con số 13.600 người tham gia trả lời/90 triệu dân cả nước thì cũng chưa thể nói là cao.

Vì vậy mình muốn qua diễn đàn này, chúng ta tiếp tục gửi thông điệp đến nhóm nghiên cứu, đại biểu Quốc hội và cơ quan chức năng để có được bức tranh phong phú và toàn diện hơn. Mình hi vọng là ý kiến của chúng ta sẽ được các Đại biểu ghi nhận trong các phiên chất vấn tại nghị trường tới đây.  

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!