Nên có đường phố mang tên chung ông bà Trịnh Văn Bô

(Dân trí) - Số tài sản đóng góp của Cụ Trịnh Văn Bô là tài sản của cả gia đình, trong đó đặc biệt là bà Hoàng Thị Minh Hồ, phu nhân ông Bô. Người Việt Nam có câu: “Của chồng, công vợ”. Vì vậy, nên chăng đặt tên đường phố sắp tời cùng mang tên hai người?


Ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ

Ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ

Ngày 19.11 vừa qua, UBND TP Hà Nội gửi tờ trình tới HĐND TP đề xuất đặt tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô cho đoạn phố dài 900 m, từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Văn Giáp và đoạn tiếp nối phố Hữu Dực đến chân cầu vượt Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.

Cách đây tròn một năm (11/2017), UBND TP Hà Nội đã đưa ra đề xuất này. Tuy nhiên ngày đó, “do chưa đạt được sự thống nhất với gia đình nên tuyến phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô bị hoãn lại không trình HĐND TP thông qua kỳ họp diễn ra vào đầu tháng 12 tới”. Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết.

Như vậy, nếu đầu tháng 12 tới, HĐND TP thông qua (chắc là đồng ý), Hà Nội sẽ có một đường phố mang tên một Nhà tư sản ái quốc, có đóng góp to lớn cho công cuộc Giải phóng dân tộc cách đây hơn 70 năm.

Vào những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Chính phủ non trẻ của Hồ Chủ tịch đứng trước muôn vàn khó khăn. Thù trong, giặc ngoài, đất nước vừa trải qua một nạn đói khủng khiếp. Số người chết đói khoảng 10% dân số (2,5tr/25tr khi đó) chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.

Trước những khó khăn đó, Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tuần lễ Vàng, kêu gọi sự ủng hộ của đồng bào cả nước.

Trong số 20 triệu đồng và 370 kilôgam vàng của cuộc phát động, gia đình Nhà tư sản Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ (phu nhân của nhà đại tư sản Trịnh Văn Bô) ủng hộ cho Chính phủ 5.147 lượng vàng, tương đương với 2.000.000 đồng Đông Dương (thời giá lúc đó) cùng nhiều căn nhà phục vụ vào việc chung.

Sự đóng góp to lớn của nhân dân cả nước, nhất là gia đình Cụ Trịnh Văn Bô cùng nhiều nhà tư sản khác đã giúp Chính phủ lâm thời một nguồn tài chính to lớn, góp phần củng cố nền độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, đặt tên đường phố đối với ông Trịnh Văn Bô là tất yếu.

Song, người viết bài này có hai điều băn khoăn.

Thứ nhất, đáng lẽ việc này phải làm từ lâu (khoảng năm 1998, 10 năm sau ngày mất (1988) của Cụ Trịnh Văn Bô theo qui định). Tuy nhiên, không hiểu sao một sự “tất yếu” ấy lại chậm đến 20 năm (1998 - 2018).

Thứ hai, số tài sản đóng góp của Cụ Trịnh Văn Bô là tài sản của cả gia đình, trong đó đặc biệt là bà Hoàng Thị Minh Hồ, phu nhân ông Bô.

Người Việt Nam có câu: “Của chồng, công vợ”. Vì vậy, nên chăng đặt tên đường phố sắp tời cùng mang tên hai người?

Nhà nghiên cứu Lịch sử, ĐB Quốc hội Dương Trung Quốc cũng từng chia sẻ với báo chí: “Đã đặt tên thì nên đặt là “ông bà Trịnh Văn Bô”. Chúng ta đừng quên vai trò của bà, nhất là nhận thức rất truyền thống - của chồng công vợ. Bà Hồ cũng có đóng góp rất tiêu biểu chứ không phải riêng ông. Không nhất thiết đặt tên hai con đường mà đặt “ông bà Trịnh Văn Bô" thì rất thích hợp”, ông Dương Trung Quốc giải thích.

Việc làm này không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, không quên công lao của một ai mà nhìn ở góc độ nào đó, chính là thực hiện quyền bình đẳng.

Bùi Hoàng Tám