“Ném đá”, “mạt sát” thì dễ, động viên, chung sức mới khó

(Dân trí) - Từ một sự sai sót trong quá trình thực hiện, “ném đá” hay “mạt sát” họ là điều quá dễ. Song, hơn cả vẫn là động viên chia sẻ, cùng chung sức, hiến kế với họ để tháo gỡ những khó khăn mới là điều cần thiết. Bởi cuối cùng, dù thế nào thì sự thiệt thòi các học sinh phải gánh chịu…

 

“Ném đá”, “mạt sát” thì dễ, động viên, chung sức mới khó - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học đã đạt được một số thành công nhất định, và đặc biệt là mở đầu cho cuộc "cách mạng giáo dục" theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Với mong muốn tạo được sự công bằng nhất có thể, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã nghiên cứu và đề ra phương thức tuyển sinh mới, không khống chế ở ba nguyện vọng như trước đây, tránh cho các em sự thiệt thòi khi có kết quả kỳ thi cao, thậm chí rất cao nhưng vẫn không được vào giảng đường đại học.

Tuy nhiên, do chưa lường hết được những khó khăn và những diễn biến phức tạp của việc thi cử đã vô tình đã tạo nên một sức ép không nhỏ đối với cả phụ huynh và học sinh trong những ngày qua.

Điều này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chính thức xác nhận, không né tránh và ngay lập tức đề ra các phương án khắc phục. Hành động nhanh chóng, kịp thời và không né tránh của người đứng đầu ngành giáo dục là cần thiết và đáng ghi nhận.

Dù có những bất cập trên, song không thể phủ nhận những thành công và đặc biệt là sự trăn trở, vật vã của ngành giáo dục nói chung, lãnh đạo Bộ GDĐT và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói riêng. Sự vất vả, hy sinh, dám hành động này là rất cần thiết cho một cuộc "cách mạng" của ngành, bởi bất cứ sự đổi mới nào cũng cần những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Có lẽ, tất cả mọi người Việt Nam đều biết rõ ngành giáo dục Việt Nam hiện nay đang đứng ở đâu và nhu cầu cần một cuộc “cách mạng” cấp thiết như thế nào. Sự trì trệ, thậm chí “thụt lùi” manh nha cách đây đã 30-40 năm và giờ đây chỉ là hậu quả của quá trình đó.

Là người chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, chắc chắn lãnh đạo ngành giáo dục càng thẩu hiểu điều đó hơn ai hết. Và đây chính là lý do vì sao thời gian qua, ngành giáo dục đã có những chuyển biến mạnh mẽ. GS. Hồ Ngọc Đại từng ví như một cuộc “cách mạng âm thầm” khi ông nói: “Ngành giáo dục âm thầm tiến hành một cuộc “cách mạng” thật sự”. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.

Đối với kỳ thi năm nay, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đánh giá: “Bộ GD&ĐT đã làm một việc rất tốt: Đó là đổi mới. Chúng ta phải đổi mới, không thể chấp nhận mãi cái cũ. Đã chấp nhận đổi mới thì phải đương đầu với trở lực, trở ngại, những rủi ro. Cái chúng ta cần đồng cảm với Bộ GD&ĐT, Bộ đã dám đổi mới, chúng ta nên chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn”.

TS Trần Đình Lý - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm - khẳng định: “Sự đổi mới của kỳ thi là không thể không thừa nhận”.

Tuy nhiên, không phải sự thay đổi nào cũng gặt hái được thành công trọn vẹn như mong muốn, nhất là trong lần đầu tiên thực hiện, mà việc xét tuyển kỳ thi đại học vừa qua là một ví dụ.

Song, không vì thế mà ngành giáo dục lùi bước bởi không còn cách nào khác, ngoài việc phải thay đổi, thay đổi và thay đổi mà nói như nhà báo Đào Tuấn trên báo Lao Động ngày 22/8/2015: “Việc bỏ đi một kỳ thi chính là khởi đầu cho một cuộc cách mạng giáo dục mà những bất cập hôm nay chỉ là từ cách làm trước một điều chưa từng có tiền lệ”.

“Không có khởi đầu nào là suôn sẻ. Hãy cho Bộ trưởng Bộ Giáo  dục & Đào tạo thêm thời gian, thêm một sự thông cảm để ông dũng cảm bước tiếp trên con đường biết chắc là  sẽ còn nhiều chông gai". Không có con đường nào khác, chúng ta buộc phải thay đổi và tiếp tục thay đổi nếu không muốn "kéo lùi trở lại như những gì của ngày hôm qua!” như lời Nhà báo Đào Tuấn.

Đây quả là một nhận xét thấu tình, đạt lý.

Còn một điều không thể không nhắc đến, có một thế hệ các bộ trưởng trẻ đầy năng động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, quyết không “mũ ni che tai”, “tư duy nhiệm kỳ” như các vị: Thống đốc Nguyễn Văn Bình, các Bộ trưởng như Đinh La Thăng, Nguyễn Thị Kim Tiến, Phạm Vũ Luận, …

Họ đã có những thành công cũng như sai lầm khác nhau nhưng nhìn chung đều đang nỗ lực hết mình và ở đâu người đứng đầu năng động, lăn lộn và hành động quyết liệt thì ở đó có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Tất nhiên, đối với những ngành như y tế, giáo dục thì sự chuyển biến không thể là ngày một ngày hai mà phải trải qua một quá trình không ngắn.

Trở lại với ngành giáo dục, từ một sự sai sót trong quá trình thực hiện, “ném đá” hay “mạt sát” họ là điều quá dễ. Cần tỉnh táo trước khi đưa ra những nhận định mang tính quy chụp, phiến diện theo tâm lý đám đông. Song, hơn cả vẫn là động viên chia sẻ, cùng chung sức, hiến kế với họ để tháo gỡ những khó khăn mới là điều cần thiết. Bởi cuối cùng, dù thế nào thì sự thiệt thòi các học sinh phải gánh chịu và có nghĩa là đất nước Việt Nam phải gánh chịu.

Hy vọng rằng, lãnh đạo Bộ và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dũng cảm bước tiếp trên con đường đổi mới ngành giáo dục.

Mong rằng ngành giáo dục sớm gặt hái những thành công bởi nhân dân, đất nước đang trông đợi vào những quyết sách mang tầm “cách mạng”.

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!