Nâng vị thế của người nông dân, vậy mới là "giải cứu"

Bích Diệp

(Dân trí) - "Tôi khẳng định lại một lần nữa là Bắc Giang nói không với "giải cứu" vải thiều". Phát biểu của ông Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang làm tôi thấy bất ngờ và có lẽ nhiều người cũng vậy.

Nâng vị thế của người nông dân, vậy mới là giải cứu - 1

Lâu nay chúng ta vẫn quen với tư duy "giải cứu" nông sản mỗi khi xảy ra những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh. Do đó, sẽ rất ngạc nhiên khi lãnh đạo Sở Công Thương tuyên bố "nói không với giải cứu".

Phát biểu của ông Giám đốc Trần Quang Tấn, tôi nghĩ rằng, thoạt đầu sẽ khiến một số người tiêu dùng cảm thấy "mếch lòng", nhất là những người đã từng rất nhiệt tình tham gia "giải cứu" vải thiều ít ngày trước đây.

Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ thì cách ứng phó, xử trí này của Bắc Giang là hợp lý, và tư duy nói không với giải cứu rất nên khuyến khích.

Ông Tấn giải thích: "Việc dùng từ "giải cứu" là không phù hợp. Từ "giải cứu" ở đây đang làm tổn thương đến uy tín của người trồng vải, làm ảnh hưởng đến phẩm cấp và chất lượng của vải thiều và mô hình chung đang là làm giảm giá trị của quả vải đặc sản. Ở đây không phải "giải cứu" mà chính xác hơn là chung tay tiêu thụ vải thiều chất lượng cao".

Quả đúng là bất đắc dĩ người trồng mới cần giải cứu, còn người mua tham gia giải cứu cũng chỉ vì hỗ trợ, giúp đỡ, mang tính nhân văn hơn là thị trường.

Với thông tin mà lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang cung cấp, việc tiêu thụ vải thiều ở địa phương này đang rất tốt, với sản lượng và chất lượng quả đều đạt hơn năm ngoái. Giá vải thiều bình quân đầu vụ hiện dao động từ 20.000 - 32.000 đồng/kg, đây cũng là mức giá cao nhất trong những năm gần đây.

Nói cách khác là nông dân trồng vải ở Bắc Giang năm nay vừa được mùa lại vừa được giá - một kết quả hiếm có ở điều kiện bình thường nói gì trong bối cảnh Covid-19 bủa vây. Vậy mà họ đã làm được nhờ vào tư duy và cách làm của cơ quan quản lý.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đánh giá rằng chính việc bác bỏ tư duy "giải cứu" đã khiến giá nông sản đứng vững, ngăn chặn việc thương lái, tiểu thương ép giá.

Như mọi năm, đến mùa vải, rất nhiều thương lái từ Trung Quốc sang tận nơi mua hàng, nhưng năm nay, Bắc Giang đã ứng phó bằng cách, tự chủ động mang vải đến tận cửa khẩu cho bạn hàng. Cho nên, vải thiều của tỉnh vẫn được giá, không có chuyện giá lên xuống trồi sụt, bất thường.

Hơn nữa, từ năm 2015, Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch về tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng theo hướng dài hạn và phát triển bền vững. Theo người viết, đây mới là mấu chốt đảm bảo thành công cho mùa vụ.

Điều quan trọng với một đất nước vẫn thiên về nông nghiệp như chúng ta đó là tạo được thu nhập cho người nông dân, nâng giá trị gia tăng trong ngành và đảm bảo lợi ích cho người tiêu thụ. Muốn thế, cần phải tính toán được nguồn cung, có quy hoạch vùng nuôi trồng và giám sát được chất lượng (từ đất, nước, phân, giống đến sản phẩm đầu ra).

Mô hình chuỗi nông nghiệp khép kín 3F (từ trang trại đến bàn ăn) đang được nhiều doanh nghiệp triển khai. Để vị thế của người nông dân "quanh năm chịu thương chịu khó" được nâng lên, để họ có thể làm chủ được cuộc chơi và về sau, chúng ta sẽ ít phải nghe đến từ "giải cứu" thì còn cần nhiều hơn nữa tư duy tiến bộ, sự xông xáo, linh hoạt của lãnh đạo các địa phương. Đó mới chính là công nghiệp hóa nông nghiệp thành công!