Nắng kỷ lục và số phận hơn 1.300 cây xanh “chờ chết”

(Dân trí) - Đang trong những ngày nắng nóng 40-50 độ, lại nghe có tin sắp đốn hạ, di chuyển 1.300 cây xanh để mở đường. Trời đã bức bối, người lại càng bực bội hơn!

Nắng kỷ lục và số phận hơn 1.300 cây xanh “chờ chết” - 1

Hai, ba hôm trở lại đây, Hà Nội ghi nhận nắng nóng kỷ lục. Trong ngày 3/6, nhiệt độ ngoài trời ở Thủ đô từ trưa và đầu giờ chiều lên đến hơn 40 độ C. Nghe đâu, thực tế, nhiệt độ còn có thể lên tới 50 độ C quanh các khu nhà cao ốc.

Không phải nói quá, chứ bước từ trong phòng điều hòa ra đường, đầu chỉ muốn nổ tung. Đặt chân lên lòng đường, cảm giác giày dép muốn chảy nhựa.

Hà Nội không khác gì một lò thiêu. Chỉ ngồi trong ô tô di chuyển thôi cũng đã hoa mắt, huống hồ người đi xe máy. Họa hoằn trên đường gặp được tuyến đường nào nhiều cây xanh thì còn đỡ, chứ nắng thế này chỉ có cháy da, cháy thịt.

Ấy thế mà, nay lại nghe báo chí đưa tin để mở rộng đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội sẽ đánh chuyển, chặt hạ 1.300 cây xanh. Cụ thể, theo kế hoạch, đơn vị thi công sẽ chặt hạ hơn 1.000 cây, di chuyển 158 cây, cắt tỉa 142 cây. Trong số này có 986 cây xà cừ đường kính từ 0,4 m đến 1,2 m; còn lại là sấu, hoa sữa, phượng vĩ...

Nhìn những bức ảnh từ trên cao về hàng cây cổ thụ xanh mướt sắp tới đây phần lớn sẽ bị chặt bỏ mà người viết không thể cầm lòng. Tiếc đến đứt ruột!

Chẳng hiểu sao, dạo này số phận của mấy gốc cây, mấy cái hồ ở Thủ đô sao mà lận đận thế! Hết vụ “cải tạo thay thế cây xanh” ồn ào dư luận năm 2015, lại thêm gần đây, một số quận ra tay đốn hạ cây xanh để “lập lại trật tự vỉa hè”, “bảo đảm an toàn giao thông”. Hay rồi vụ đề xuất lấp hồ làm dự án… Nhiều vấn đề, nhiều lý do viện dẫn lắm.

Riêng chuyện tới đây chủ trương phải mở rộng đường Phạm Văn Đồng, bản thân người viết không phản đối. Ai cũng biết rằng, đoạn đường này cần mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận tải lớn. Tuy nhiên, liệu rằng có thể vẫn vừa mở đường, vừa giữ lại được cây hay không? Chặt bỏ chừng đó số cây ấy đi rồi, môi trường khu vực ấy sẽ ra sao với cường độ xe tải, xe container lưu chuyển liên tục?

Đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội khẳng định việc di chuyển, chặt hạ cây xanh là bắt buộc. Đành rằng là thế, nhưng vẫn còn những thông tin mà người dân muốn biết, cần phải biết lại không được công bố. Đó là có bao nhiêu phương án, chi tiết về từng phương án một đã được đưa ra để xây dựng tuyến đường này ra sao?

Ít nhất người dân cũng có quyền được biết: Liệu phương án chặt bỏ, di dời hơn 1.000 cây xanh đó có là tối ưu, là bắt buộc phải làm hay không? Hoặc ít ra, khi tiếp cận các phương án, người dân cũng có thể đưa ra đánh giá và đóng góp ý kiến của mình, biết đâu sẽ chọn được phương án tốt hơn mà chính quyền chưa tính đến?

Cái giá của từng gốc cây trong thành phố không nằm ở giá trị số gỗ quy được thành tiền. Giá của những gốc cây ấy là một phần linh hồn Thủ đô. Hà Nội - “Thành phố hòa bình”, Hà Nội của văn thơ, nhạc họa, Hà Nội xanh, sạch trong đời sống thường nhật của mỗi người dân… chính nằm ở những hàng cây xanh mướt, từng hồ nước trong lành ấy.

Ai cũng muốn có một Thủ đô phát triển, nhưng sự phát triển ấy cần tính toán cẩn trọng để giữ được môi trường xanh sạch, đáng sống cho hơn 7,6 triệu dân. Nhất là khi, 10 năm trồng cây mới gặt lợi ích mà biến đổi khí hậu lại rất khôn lường.

Đừng để chỉ một vài năm tới, lúc đã phải lãnh hậu quả về ô nhiễm môi trường, khi cái nóng ngoài kia đường phố không chỉ dừng lại 40-50 độ, lại hối hận muốn thu hồi những quyết định ngày hôm nay, khi vẫn còn khả năng suy xét lại!

Bích Diệp