Một trò đùa vô bổ đến khó hiểu trong vụ doanh nghiệp 6,3 tỷ USD
(Dân trí) - Những diễn biến “bất ngờ”, “gay cấn” quanh câu chuyện ba vị “đại gia” chung tay đăng ký thành lập nên doanh nghiệp có vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng gây sốt vừa qua, rốt cuộc lại có cái kết như “đùa”!
Trong buổi sáng ngày 26/2, nhiều người không tin vào mắt mình khi một doanh nghiệp mới đăng ký có địa chỉ tại huyện Hoài Đức (một huyện ngoại thành Hà Nội ) lại có mức vốn điều lệ vượt qua những doanh nghiệp hàng đầu như Viettel, Formosa Hà Tĩnh, thậm chí là lớn hơn cả tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng lớn nhất nước (Agirbank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) cộng lại. Chính xác là 144.000 tỷ đồng, không hề thừa số 0 nào trong dãy số trên.
Doanh nghiệp này chỉ có 3 cổ đông sáng lập, trong đó mỗi cá nhân đăng ký góp vốn từ hơn 43.000 tỷ đồng đến gần 58.000 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa là, nếu như số tiền này có thực thì nước ta lại có thêm tới 3 tỷ phú USD. Thật là một sự kiện trọng đại, đáng chú ý!
Tiếc là, chẳng phải chờ lâu, dựa vào địa chỉ liên hệ trong giấy phép kinh doanh, phóng viên báo chí đã gặp được một trong những “đại gia bí ẩn” để rồi phát hiện ra câu chuyện oái oăm nằm phía sau khiến ai cũng đều vỡ mộng.
Bà Kim Thị Phương, người đăng ký góp 30% vốn (tương ứng số tiền 43.200 tỷ đồng) thành lập 1 công ty bất động sản, thực ra lại làm nghề kinh doanh nước khoáng. Bà Phương nói với phóng viên một cách thật thà: “Tôi có biết gì đâu, tôi chưa góp vốn đồng nào. Tôi làm gì có tiền, ăn còn chẳng đủ”.
“Mình nghĩ đơn giản, không ảnh hưởng gì. Vì có tiền đâu, có góp đồng nào đâu. Nhà tôi ăn bữa nọ chạy bữa kia, ruộng vườn thì không có, lãi vay trả đều đều”, vẫn là lời bà Phương. Bà còn nói thêm rằng, hai cổ đông còn lại trong công ty cũng đều “không có tiền”, một người làm công ty gỗ và một người khác cũng đi buôn nước khoáng.
Nói đúng ra thì cả ba cá nhân trên đều là những người kinh doanh, buôn bán. Vậy nhưng, chuyện đăng ký góp vốn thành lập công ty trong trường hợp này, với họ, lại không khác gì một trò chơi trẻ con.
Câu chuyện gây cười đến mức “sửng sốt” khi ngày 27/2, bà Phương lại yêu cầu người khai lập doanh nghiệp đi huỷ hồ sơ đăng ký kinh doanh vì quy mô vốn khổng lồ trên “bị ghi nhầm” do người đi đăng ký uống rượu say.
Điều này bất nhất với thông tin mà đại diện Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định với báo chí từ trước đó. Theo đó, khi nhận thấy có doanh nghiệp đăng ký vốn bất thường, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã chủ động liên hệ với người đi khai hồ sơ, kê khai lập doanh nghiệp thì người này khẳng định không nhầm. Chính vì vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo cho các cơ quan liên quan về trường hợp này để theo dõi, giám sát.
Thông tin mập mờ và câu trả lời lúng túng của bà Phương khiến người ta băn khoăn: Tại sao lại là 144.000 tỷ đồng? Tại sao lại là một con số khổng lồ, to đến mức khó tưởng tượng như vậy?
Tôi không rõ là bà Phương và những “cộng sự” của bà có biết rằng, việc kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 5 điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2014 hay không? Và hành vi này có thể sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Hơn nữa, khai sinh doanh nghiệp xong rồi, không phải thích huỷ là huỷ ngay được mà phải thực hiện thủ tục giải thể theo tuần tự. Thế nên, nếu là để cho vui thì trò đùa này cũng rất vô bổ, tốn thời gian.
Tôi đồng ý với các ý kiến cho rằng phải tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân. Đúng vậy. Sự đơn giản trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp là một bước tiến của việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Song, sẽ thật đáng tiếc và cũng rất đáng lo nếu vẫn tiếp tục xảy ra những trường hợp tương tự, bởi lúc đó, các số liệu thống kê về vốn, dự án mới doanh nghiệp trên địa bàn và những “thành tích” của địa phương sẽ trở nên méo mó và không còn đáng tin cậy nữa. Chưa kể, sự tồn tại của những doanh nghiệp “ma”, vốn ảo có thể sẽ để lại những hệ luỵ khó lường.
Bích Diệp