Một tin vui chứa đầy nước mắt!
(Dân trí) - Hãy luôn nhớ rằng một qui định ban hành, có thể chỉ vài ba chữ thôi nhưng đó là biết bao mồ hôi, tiền bạc của dân và mồ hôi, tiền bạc của dân không bao giờ là "cỏ rác"!
Vâng, đó là một tin vui, rất vui đối với giáo viên, cán bộ công chức, viên chức ngành giáo dục.
Theo thông tin từ báo Dân trí cho biết, trả lời câu hỏi khi nào thực hiện bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với giáo viên? Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Thông tư đã được sửa đổi và Bộ GD&ĐT sẽ ban hành trong tháng 12. Sau 45 ngày, văn bản sẽ có hiệu lực (tháng 2/2021)".
Ngay sau khi nhận được thông tin này, một cô giáo tiểu học đã liên lạc với tôi qua nghẹn ngào nước mắt vui buồn lẫn lộn. Cô giáo vui bởi cái bất hợp lý đã được sửa sai. Song, cô buồn vì sự vô lý đó tồn tại bởi theo cô giáo, thời gian đào tạo không đủ để giáo viên học được chứng chỉ nên học thực chất là để đối phó.
Vả lại, nếu có tiếp thu được thì do không sử dụng, chỉ thời gian ngắn là quên. Khổ nhất là với các giáo viên lớn tuổi, khi mà mắt mờ, trí lực giảm và cả áp lực nhiều việc nên rất khó tiếp thu. Rồi việc giám sát chất lượng không đảm bảo nên hoàn toàn có thể dẫn tới hành động mua bán bằng cấp, chứng chỉ…
Về phía nhà quản lý, theo ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của các giáo viên.
"Đã có nhiều phản ánh về những áp lực, cũng như tiêu cực khi giáo viên phải đi học để có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Bên cạnh đó, trên thực tế, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là hình thức, chưa thiết thực". Ông Bình nói.
Ông Bình còn cho hay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất trăn trở và chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này để có thể "cởi trói" cho giáo viên.
Tóm lại, đây là một qui định không hợp lý, sau một thời gian thực hiện, đã được gỡ bỏ và như vậy, có thể nói đó là tin vui. Song, nó là tin vui chứa đầy nước mắt bởi sự ra đời và tồn tại trong một thời gian dài vừa qua đã làm nhiều và rất nhiều giáo viên khốn khổ vì phải đổ mồ hôi và tiền bạc một cách không cần thiết.
Vậy giờ đây ai là người phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí này? Trong khi ở lĩnh vực kinh tế, chỉ một sai sót thôi, không ít người phải sa vòng lao lý. Song, những sai lầm về chủ trương, chính sách nếu tính mức độ thiệt hại thường là rất lớn nhưng chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm cả và đó là sự bất công, là vô lý.
Đã đến lúc cần phải kiên quyết đối với tập thể và cá nhân tham mưu cho những chính sách sai lầm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, không thể để xảy ra tình trạng tùy tiện, thích thì làm, không thích thì bỏ.
Hãy luôn nhớ rằng một qui định ban hành, có thể chỉ vài ba chữ thôi nhưng đó là biết bao mồ hôi, tiền bạc của dân và mồ hôi, tiền bạc của dân không bao giờ là "cỏ rác"!