Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Cần xóa bỏ cơ chế chủ quản trong tự chủ đại học
(Dân trí) - Cần xóa bỏ cơ chế chủ quản, cho phép các trường công đang thí điểm tự chủ được sử dụng phần thu của mình (phần ngoài ngân sách nhà nước đầu tư),tránh sự ràng buộc về Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công
Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội đại học và cao đẳng Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh như vậy khi nói về vấn đề tự chủ đại học.
Điều kiện cần thiết đề trường đại học tồn tại và hoàn thành sứ mạng
Khi bàn về tự chủ đại học, các chuyên gia thường nhấn mạnh tới một đặc điểm của giáo dục đại học Việt Nam, đó là sự đa dạng về chủ sở hữu cũng như về năng lực của các trường. Điều này đòi hỏi cần có nhiều mức độ tự chủ khác nhau cho các cơ sở khác nhau.
Hầu hết các chuyên gia giáo dục đều thống nhất ở một số điểm then chốt, đó là:
Thứ nhất, tự chủ là điều kiện tối cần thiết để một trường đại học có thể tồn tại và hoàn thành sứ mạng đã đề ra.
Thứ hai, tự chủ là một khái niệm phức tạp, với nhiều khía cạnh khác nhau. Nhưng tối thiểu phải bao gồm các khía cạnh sau: tự chủ về quản trị, tự chủ trong hoạt động chuyên môn (hay tự chủ học thuật), và tự chủ về tài chính.
Thứ ba, tự chủ không phải là một tình trạng với hai trạng thái hoặc “có” hoặc “không”, mà là một đặc điểm mà mỗi trường có thể đạt được ở nhiều mức độ khác nhau, từ hoàn toàn không tự chủ đến hoàn toàn tự chủ.
GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết, theo định hướng của Đảng bằng nhiều chỉ thị nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết 29/NQ/TW của Trung ương, giáo dục Việt Nam có nhiều đổi mới, phát triển đại học có nhiều tiến bộ theo hướng hiện đại hóa. Tuy vậy, giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn khá trì trệ, chậm chạp.
Chủ trương thúc đẩy tự chủ đại học của các trường đại học là sự đổi mới hết sức quan trọng về cơ chế quản lý để tạo động lực tự thân và năng động ở các trường, tạo sinh khí mới cho sự phát triển giáo dục đại học.
Tuy nhiên, GS Quân cho rằng, đây là chủ trương không dễ thực hiện. Bên cạnh việc phải luôn luôn tháo gỡ các vướng mắc về chính sách cụ thể, việc phát hiện và bồi dưỡng điển hình để làm mẫu là vô cùng quan trọng.
Trong 24 trường đại học đang thí điểm tự chủ hiện nay, nổi lên là trường ĐH Tôn Đức Thắng. Sau hơn 20 năm xây dựng, trường đã trở thành trường chuẩn 4 sao quốc tế (do Q.S.Star Rating của Vương Quốc Anh xếp), nằm trong top 1000 trường tốt nhất thế giới (do tổ chức quốc tế ARWU) và là trường tốt nhất Việt Nam 2019, đứng 960 thế giới (theo sự xếp hạng của tổ chức quốc tế đầu năm nay do tổ chức quốc tế URAP xếp).
Đặc biệt vào tháng 10 vừa qua, US. News (usnews.com) đã xếp Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) được xếp thứ 623 thế giới.
Theo GS Quân, từ thành công và kết quả đạt được của trường ĐH Tôn Đức Thắng, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm về tư duy, về mô hình quản lý, về tổ chức điều hành và về cán bộ lãnh đạo.
"Sự thành công này trước hết là do sự nỗ lực, toàn tâm toàn ý của tập thể nhà trường, dưới sự lãnh đạo của hiệu trưởng có tâm và có tầm. Đồng thời, trường được sự ủng hộ bằng cơ chế trong suốt 18 năm qua của Tổng Liên Đoàn Việt Nam trước đây, gần giống như cơ chế tự chủ hiện nay, cùng sự hỗ trợ tích cực của Tp.HCM, đặc biệt là việc được thí điểm tự chủ theo kế hoạch Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng và phù hợp với luật số 34 của Quốc hội" - GS Quân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo GS Trần Hồng Quân, việc cơ quan chủ quản có quyết định kỷ luật cách chức hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ làm trường ĐH Tôn Đức Thắng mất đi vai trò tiên tiến, sẽ tiếc cho cuộc vận động lớn hiện nay là thúc đẩy tự chủ trong các trường đại học công lập.
“Chúng ta cần bảo vệ một mô hình tốt, một ngôi sao đang lên của ngành giáo dục đại học trên tinh thần Luật giáo dục sửa đổi (Luật số 34) và Nghị quyết 29 -NQ/TW của Đảng ta” – GS Quân nhấn mạnh.
Cơ quan chủ quản phải thay đổi tư duy, động cơ giữ lại quyền lực cho mình
Theo quan điểm của GS Quân, trong thực hiện tự chủ, điều quan trọng là phải xây dựng được mô hình quản lý hiệu quả hơn, tạo động lực cho sự phát triển của trường đại học. Đồng thời khắc phục được sự trì trệ, ỉ lại. Nếu xây dựng được mô hình tổ chức tốt thì có vai trò rất lớn để đảm bảo thắng lợi.
Điểm nổi bật của Luật 34 chính là tính tự chủ của các trường ĐH. Theo đó, các trường ĐH được tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động.
Đối với tổ chức quản lý, Giáo sư Quân khẳng định: “Nếu còn thực hiện cơ chế chủ quản thì chắc chắn chúng ta không thể tự chủ được. Còn chủ quản thì không có tự chủ. Cái gì cũng phải qua cơ quan chủ quản, kể cả những việc luật không cấm vẫn phải hỏi cơ quan chủ quản.
Cơ quan chủ quản can thiệp vào việc tác nghiệp của các trường và hạn chế sự sáng tạo của các trường. Nó tạo ra sự ỷ lại vào cấp trên sẽ làm, sẽ giải quyết... cơ chế chủ quản sinh ra sự trì trệ của hệ thống. Hội đồng trường xác định rõ các chính sách của nhà trường, lựa chọn hiệu trưởng xứng đáng để giao quyền điều hành và theo dõi, kiểm tra đánh giá việc sử dụng quyền được giao đó.
Như vậy, nếu thực hiện đầy đủ cơ chế hội đồng trường, xác định đúng vai trò của hội đồng trường thì không cần đến cơ chế Bộ chủ quản. Hội đồng trường chỉ có thể phát huy vai trò của mình đầy đủ và hoạt động có hiệu quả cao khi cơ chế bộ chủ quản được hoàn toàn xóa bỏ.
“Muốn xóa bỏ cơ chế chủ quản, có nhiều vấn đề liên quan như tư duy, động cơ giữ lại quyền lực cho mình nhưng chúng ta phải mạnh dạn bỏ cơ chế chủ quản” – GS Quân nhấn mạnh.
Hiện nay, cả nước có 3 cơ sở giáo dục đại học đang thí điểm xóa bỏ cơ quan chủ quản, GS Quân cho biết, sẽ kiến nghị lên Đảng và nhà nước ban hành một số văn bản cho phép thí điểm một số trường công được thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn. Qua đó, chúng ta sẽ thấy được những vướng mắc về luật pháp trong việc thực hiện để tháo gỡ, kiến nghị thay đổi.
“Cần xóa bỏ cơ chế chủ quản, cho phép các trường công đang thí điểm tự chủ được sử dụng phần thu của mình (phần ngoài ngân sách nhà nước đầu tư)... tránh sự ràng buộc về Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công” – GS Quân kiến nghị.
Theo GS Quân, trong tự chủ về quản lý thì Hội đồng trường được xem là vấn đề cốt lõi của tự chủ đại học. Do đó, yêu cầu phải xây dựng thiết chế quyền lực thực sự của Hội đồng trường đối với nhà trường. Hội đồng này phải có quyền lực thực với việc hình thành bộ máy, chiến lược phát triển, đội ngũ nhân sự... của nhà trường.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh việc tự chủ đại học và tự do học thuật. Theo ông, đây là đặc điểm của một nền giáo dục thực chất, đúng nghĩa.
Cốt lõi của đổi mới giáo dục đại học để giáo dục đại học vươn lên ngang tầm quốc tế là tự chủ đại học. Trong tự chủ có 2 việc cần có đó là quyền của Hội đồng trường và bỏ cơ chế bộ chủ quản. Ở các nước phát triển họ đã làm từ lâu. Ở nước ta cho đến nay vẫn chưa có tự chủ đại học theo nghĩa đầy đủ của vấn đề này.
TS Vũ Ngọc Hoàng đề nghị nghiên cứu mô hình Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho tổng kết 6 năm thí điểm tự chủ của Trường và có tổng kết thì mới thấy tốt đến đâu, cái gì cần phát huy, cần nhân ra, cái gì cần khắc phục. Đây là mô hình cần được bảo vệ và hỗ trợ để từ đó rút ra kinh nghiệm chung về một số bài học nhằm nhân rộng ra.
“Tôi nói đến chữ “bảo vệ” bởi còn có sự nhìn nhận đánh giá chưa đúng của cơ quan chủ quản, bởi tư duy không còn phù hợp với tinh thần đổi mới theo chỉ đạo của TW Đảng, Quốc hội và Chính phủ” - TS Hoàng nhấn mạnh.
TS Hoàng cho rằng, các trường đại học tự chủ trong nước đang xem Đảng, Chính phủ xử lý như thế nào về Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Vì vậy, giải quyết tốt việc này không chỉ giúp Trường phát triển bền vững; mà còn khích lệ sự mạnh dạn thực hiện tự chủ để phát triển cho cả hệ thống đại học Việt Nam.