Một qui định không chỉ “ngỡ ngàng” báo giới!
(Dân trí) - “Với quyết định không cho báo chí theo dõi và phản ánh tường tận các buổi họp của mình, UB Thường vụ Quốc hội tự bớt đi cơ hội để dân hiểu công việc mình đang làm, cảm nhận hơi thở của nghị trường, những nỗ lực đang diễn ra trong phòng họp để thúc đẩy quốc kế dân sinh…”. Trần Đăng Tuấn.
Xin nói ngay, đó là qui định tại các cuộc họp của UB Thường vụ Quốc hội, báo chí chỉ được dự 5 phút khai mạc, cuối buổi sẽ phát đi thông cáo báo chí. Điều này vừa được cán bộ Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội thông báo tại Trung tâm báo chí Nhà Quốc hội ngày 11/7.
Giải thích về quyết định này, Chủ nhiệm Văn phòng, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Nhiều khi có anh em báo chí vào thì cũng ngại, phát biểu không hết ý. Có những vấn đề bí mật nhà nước mà vô tình nói ra thì không hay, lại phải đề nghị báo chí không đăng tải. Vì vậy, quyết định này nhằm giúp các đại biểu thảo luận sâu, nói hết ý, kể cả vấn đề bí mật”
Ngay lập tức, nhiều tờ báo và cả đại biểu, nguyên đại biểu Quốc hội đã lên tiếng không đồng tình với qui định này. Trong đó, đáng chủ ý là ý kiến của ĐB Lê Như Tiến và nguyên ĐB Nguyễn Minh Thuyết.
Trên báo Tuổi trẻ, ĐB Lê Như Tiến cho rằng hạn chế báo chí tham dự đối với tất cả các nội dung UBTVQH họp là không nên bởi Hiến pháp, luật đều quy định hoạt động của Quốc hội là hoạt động mở, Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.
“Tôi đồng ý là với các nội dung thuộc bí mật nhà nước, các vấn đề quan trọng về quốc phòng, an ninh, nội dung đặc biệt nhạy cảm, UBTVQH có thể họp riêng, báo chí không tham dự.
Nhưng với đa số nội dung về kinh tế - xã hội, quốc kế dân sinh, các dự án luật không có nội dung bí mật, các phiên giải trình... thì hà cớ gì hạn chế báo chí tiếp cận” - ông Tiến bày tỏ.
Trên báo điện tử Infonet, nguyên đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết còn cho rằng đây là “bước lùi của dân chủ”.
Ông Thuyết nói nguyên văn: ““Không nên thực hiện bước lùi của dân chủ, bởi Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đưa dân chủ lên trước công bằng – văn minh (Dân chủ - Công bằng – Văn minh, NV). Dân chủ chỉ có lợi hơn, giúp người dân kiểm tra đại biểu làm việc như thế nào. Vậy tại sao lại làm như thế? Tôi cho rằng không phù hợp với xu hướng dân chủ hiện nay”.
Đây là những ý kiến rất cần đươc Quốc hội quan tâm, xem xét.
Về cá nhân người viết bài này đồng tình với ý kiến của ông Lê Như Tiến và Nguyễn Minh Thuyết.
Năm 2002, ông Nguyễn Văn An (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) đã đề nghị UBTVQH trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước, cho phép phóng viên báo chí trực tiếp dự, đưa tin các phiên họp UBTVQH. Việc này đã được duy trì liên tục trong 15 năm qua (2002 - 2017).
Sau này, ông An tâm sự: “Đã là đại biểu của dân, chúng ta phát biểu gì, chính kiến thế nào dân phải được biết. Quyết định để báo chí vào đưa tin nhằm minh bạch hóa hoạt động của UBTVQH”.
Tại quy chế làm việc của UBTVQH được chính cơ quan này ban hành năm 2015, điều 4 quy định về “Thông tin, tuyên truyền về hoạt động của UBTVQH” cũng nêu rõ: “Các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của UBTVQH tại khu vực dành riêng cho báo chí và Tổng thư ký Quốc hội là người phát ngôn của UBTVQH, có trách nhiệm tổ chức cung cấp thông tin về chương trình, nội dung phiên họp công khai và các hoạt động khác của UBTVQH”.
Có lẽ cũng cần nói thêm, Quốc hội và báo chí Cách mạng Việt Nam luôn có mối quan hệ khăng khít không chỉ bằng lý trí mà còn tình cảm.
Quốc hội vừa luôn coi báo chí như công cụ để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách vừa là người bạn kề vai, sát cánh với những hoạt động của mình.
Ngược lại, báo chí luôn coi Quốc hội như chỗ dựa vững chắc để truyền tải, cung cấp thông tin và cả bày tỏ những ý kiến phản biện.
Về tình riêng, nhiều đại biểu Quốc hội đối với phóng viên còn là “tình tri kỉ”.
Đó là chưa kể trên tinh thần công khai, minh bạch, cử tri muốn biết nhanh nhất, sớm nhất và trực tiếp từ các cơ quan thông tấn, báo chí như lời của ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam trên Info Nét:
“Với quyết định không cho báo chí theo dõi và phản ánh tường tận các buổi họp của mình, UB Thường vụ Quốc hội tự bớt đi cơ hội để dân hiểu công việc mình đang làm, cảm nhận hơi thở của nghị trường, những nỗ lực đang diễn ra trong phòng họp để thúc đẩy quốc kế dân sinh…”.
Bùi Hoàng Tám