Một qui định khiến nhiều bác… “ngậm bồ hòn làm ngọt”?!

(Dân trí) - Dự luật này sẽ có bác không tán thành vì bỗng chốc mất đi “bổng lộc” nhưng chắc chắn chẳng bác nào dám nói ra mà đành “cắn răng”, nói theo các cụ là “Ngậm… bồ hòn làm ngọt”, phải không các bạn?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một lần nữa, vấn đề xe công, nhà công lại gây sự chú ý của dư luận. Song, khác với những lần trước là sự bức xúc thì lần này, là một tín hiệu mừng. Theo quy định tại dự Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, khoán kinh phí sẽ là phương thức được ưu tiên, chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác.

Điều này có nghĩa là xe công, nhà công vụ và cả đến điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và một số tài sản khác sẽ thực hiện theo chế độ khoán.

Đây là một bước ngoặt trong quản lý tài sản công bởi lâu nay, tình trạng này khá lỏng lẻo. Chỉ riêng lĩnh vực xe công và nhà công, đã cho thấy biểu hiện đặc quyền, đặc lợi của một số người.

Những chiếc xe công nhiều khi biến thành “xe ông” (tất nhiên, có cả “xe bà”), chỉ để phục vụ sếp, gia dình vợ con sếp. Thôi thì đủ các yêu cầu, nào là đưa đón về quê, đi lễ chùa chiền, cưới hỏi, ma chay… và cả chợ búa đến đón con cháu sếp từ trường về nhà. Tài xế, vốn là nhân viên ngân sách trả lương biến thành osin, chỉ để hầu hạ, phục dịch sếp và người nhà sếp. Thậm chí, có lúc còn cả con cháu, bạn bè sếp.

Trong khi đó, tiền xăng xe, phà đò, cầu đường, tất tần tật và không loại trừ khả năng nhiều khoản chi khác đều được hợp pháp hóa bằng những hóa đơn đưa sếp đi công tác.

Về nhà công vụ cũng tương tự. Nhà công vụ là công cụ để nhà nước hỗ trợ cho cán bộ chức sắc có nơi ăn ở, thuận tiện cho công việc. Thế nhưng khi được bố trí nhà công vụ, một số vị thực hiện phương châm “bám trụ kiên cường”, không chịu trả lại nhà nước dù đã hết nhiệm kỳ, thậm chí đã nghỉ hưu nhiều năm.

Mỗi căn nhà ít cũng vài ba tỉ bạc, bỗng biến thành “nhà ông”. Điều này gây bức xúc dư luận. Mà không bức xúc sao được khi tiền thuế của dân bị chi tiêu một cách vô tội vạ và vô lý như thế.

Song, nếu như một khi Luật này được Quốc hội thông qua (mình nghĩ chắc sẽ được thông qua thôi, bởi sự bức xúc này không chỉ của dân mà của cả nhiều đại biểu Quốc hội), cũng là lúc những đặc quyền, đặc lợi vô lý như thế này sẽ chấm dứt.

Không chỉ thế, trên báo Dân trí, Nhà báo Bích Diệp còn cho biết dự thảo Luật còn quy định xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công mà gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước: “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, Dự thảo Luật viết.

Tất nhiên, dự luật này sẽ có bác không tán thành vì bỗng chốc mất đi “bổng lộc” nhưng chắc chắn chẳng bác nào dám nói ra mà đành “cắn răng”, nói theo các cụ là “Ngậm… bồ hòn làm ngọt”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám