Chuyện “xe công thành… xe ông” và “xe ông thành… xe công”!
(Dân trí) - Lâu nay, dư luận đã quá quen thuộc với hiện tượng “nhà công biến thành… nhà ông”, “xe công biến thành… xe ông”. Nhưng giờ thì hình như với xe cộ, “gió đã đổi chiều”, ở một số nơi đang nổi lên hiện tượng “xe ông thành… xe công”.
Đã một dạo, dư luận bất bình về tình trạng của công hóa thành của ông (bà). Đó là những cái nhà công vụ hàng tỉ đồng của nhà nước đầu tư cho cán bộ ở, để làm việc công, biến thành nhà cá nhân, thậm chí để cho thuê mượn hay cho cháu cho con ở nhờ.
Còn không ít những chiếc xe đắt tiền dành để cho lãnh đạo đi làm việc công, biến thành xe của riêng, chủ yếu phục vụ không chỉ bản thân mà cả gia đình, vợ con, thậm chí cháu chắt của một số cán bộ có quyền, có chức.
Thế nhưng gần đây lại có chuyện “ngược đời”, “xe ông biến thành… xe công”. Điển hình cho quá trình “chuyển đổi giai cấp” này là chiếc xe ô tô Lexus LX570 mang biển kiểm soát xe công 95A-0699, một phương tiện đi lại của ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang (ông Thanh nguyên là Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng, Bộ Công thương được đưa về Hậu Giang để thử thách nhằm hướng tới những chức vụ cao hơn nếu đáp ứng yêu cầu công việc theo chủ trương luân chuyển cán bộ từ tháng 5/2015).
Khi dư luận đặt vấn đề vì sao chức vụ Phó Chủ tịch tỉnh (theo qui định chỉ được sử dụng loại xe dưới 920 triệu đồng) lại dùng chiếc xe nhiều tỉ đồng (khoảng trên 5 tỉ VND) như vậy thì được ông Thanh giải thích, một người bà con ở Hà Nội khi thấy ông Thanh vào Hậu Giang công tác, không có phương tiện đi lại nên… cho mượn.
Bình luận về sự việc này của thuộc cấp, ông Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh nói: “Tôi thấy việc này là bình thường. Dùng xe cá nhân đi, chứ có dùng xe nhà nước sai tiêu chuẩn đâu mà dư luận phê phán ầm ỹ”.
Ơ, sao lại “bình thường”, thưa ông Bí thư (và có thể thưa cả ông Phó Chủ tịch Thanh)?
Thứ nhất, nó không thể là “bình thường” nếu như xảy ra điều không may (phỉ phui cái mồm) thì sẽ xử lý chủ sở hữu như thế nào? Người chủ xe ở Hà Nội hay là cơ quan UBND tỉnh Hậu Giang? Khi trả lời PV báo Dân trí, Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết: “Khi gây ra tai nạn giao thông thì ngoài người lái xe, cơ quan quản lý nhà nước sở hữu chiếc xe đó phải chịu trách nhiệm; nếu là xe cá nhân, biển trắng thì chủ xe chịu trách nhiệm”.
Thứ hai, một chiếc xe đã có một biển số rồi thì không thể có biển số khác nữa. Ở đây, không thể không “ngả mũ” bởi “linh hoạt” đến… “ngạc nhiên” của Công an Hậu Giang khi dám “dũng cảm phá rào” cấp biển số xanh cho chiếc xe này bởi không có một qui định nào của pháp luật cũng như của Bộ Công an cho phép xe tư nhân mang biển số xanh cả.
Cũng cần nói thêm, thời gian gần đây tình trạng giả danh xe công vụ (xe tư nhân mang biển xanh) đang gây bức xúc. Việc cho phép một chiếc xe biển trắng (tư nhân) mang biển xanh (xe công vụ) sẽ góp phần làm gia tăng thêm thực trạng không hay này. Báo chí còn phát hiện tại Sóc Trăng, một tỉnh nghèo nhất nhì ĐBSCL có tới 4 xe Lexus 570 biển số 83A-004.68, 83A-033.33, 83A-066.66 và 83A-099.99.
Thứ ba, người dân sẽ nghĩ như thế nào khi một vị Phó chủ tịch UBND tỉnh “sài sang” như vậy? Rồi liệu những người đồng cấp ngay trong địa bàn và các địa phương khác sẽ nghĩ gì khi có sự “chênh lệch đẳng cấp” này dù là xe của ai đó “cho mượn”? Đó là chưa kể sự “đàm tiếu” của dư luận như quen đi sướng rồi, nên phải là xe tiền tỉ.
Người xưa có câu “y phục xứng kỳ đức”, “chiếc áo không làm nên thầy tu”, cái xe 5-6 tỉ bạc có gì đó là thứ “y phục xa xỉ” đối với một vị Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhất là trong tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay.
Cho nên, thưa Bí thư Trần Công Chánh và Phó Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh, sự việc không thể nói là “không có gì ầm ĩ” mà nó như nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - luật sư Trần Quốc Thuận là “một cái sai nghiêm trọng, không thể coi là đơn giản được”. Còn việc một chiếc xe có 2 biển số (một trắng, một xanh) là hành vi gian dối.
Vì thế, cách tốt nhất có lẽ là hãy “trả lại tên cho em”, chiếc xe Lexus biển xanh 95A-0699 nên thay bằng biển số trắng 29A-79093 như nó từng chính danh và thậm chí, cũng nên trả chiếc xe lại cho chính chủ vì Hậu Giang, dù còn nghèo cũng không đến mức để một vị Phó Chủ tịch phải mượn xe của ai đó tận ngoài Hà Nội để đi làm việc chung.
Sau thời “xe công thành… xe ông”, phải chăng đã đến thời “xe ông thành… xe công”?
Bùi Hoàng Tám