Một chia sẻ “buồn lòng” và có phần “chua chát” của bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

(Dân trí) - Quốc hội hãy tiếp tục phát huy tiến trình dân chủ mà cụ thể tại thời điểm này, xây dựng Luật Tổ chức Quốc hội trên tinh thần dân chủ nhất bởi nếu Quốc hội mà không có dân chủ thì không ở đâu có dân chủ!

Một chia sẻ “buồn lòng” và có phần “chua chát” của bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - 1

Tại phiên thảo luận tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội sáng 29/10, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kể:

“Tôi đã từng chứng kiến, khóa trước, một đại biểu địa phương chất vấn Bộ trưởng Công Thương mà ngay lập tức, trưa đó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh đó gọi điện nói đại biểu gay gắt, phê bình “cháy mặt”. Mà chuyện đó không phải hiếm. Đại biểu rơi vào trường hợp đó đương nhiên rất ấm ức. Những chuyện “kém thế” như vậy đã làm giảm hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội”.

Đọc những thông tin trên, người viết bài này không khỏi thấy buồn lòng và chua chát.

Buồn lòng bởi tác giả của câu nói này là một người khá nổi tiếng về sự thẳng thắn và cương trực, từng có 5 nhiệm kỳ tham gia Quốc hội nên hiểu thấu nội tình.

Nên những điều bà Nga nói là sự thật “buồn lòng” bởi Đại biểu Quốc hội là nơi cử tri gửi gắm niềm tin và trách nhiệm của đại biểu là nói lên tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

Thế mà chỉ vì chất vấn một Bộ trưởng lại bị Bí thư Tỉnh ủy phê bình “gay gắt”, “cháy mặt” thì buồn lòng và… lạ thật!

Ở đây cho thấy hình như vị Bí thư kia không (hoặc chưa) hiểu rõ chức vị của mình và của vị đại biểu nọ. Mỗi đại biểu Quốc hội là do cử tri bầu trực tiếp. Họ là đại diện của cử tri nên việc phê bình “gay gắt”, “cháy mặt” ở đây có thể được coi như hành động coi thường cử tri, một điều tối kị, không được phép.

Nói chua chát là bởi Quốc hội phải là nơi dân chủ nhất. Thế nhưng cũng tại phiên họp này, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM còn cho biết: “Giờ muốn phát biểu về bộ, ngành nào đó cũng cân nhắc lắm chứ, thậm chí có địa phương lãnh đạo còn chỉ đạo “việc gì nên nói, việc gì không nên nói”.

Vì sao có hiện tượng này? Theo tôi, có hai nguyên nhân.

Thứ nhất, như đã nói ở trên, những người như vị Bí thư kia không (hoặc chưa) hiểu rõ chức vị của mình và của các đại biểu Quốc hội. Họ luôn nghĩ mình là bề trên, trong khi tại nghị trường, mọi đại biểu đều bình đẳng.

Thứ hai, chính một số đại biểu cũng không (hoặc chưa) hiểu rõ chức vị của mình luôn nghĩ mình là “cấp dưới”, là “kém thế”.

Sinh thời, Hồ Chủ tịch từng nói “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra” thì ở đây, vị Bí thư kia đã “bịt miệng” đại diện của dân và thật chua chát, nếu vị đại biểu kia cũng “cam phận” chấp nhận “kém thế” dù trong “ấm ức”.

Xây dựng nền dân chủ là tiến trình đi lên của nhân loại và cũng là mục đích của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Công bằng nhìn lại những năm qua, dân chủ của ta đã tiến bộ nhiều. Đặc biệt là tại Quốc hội, nhiều đại biểu không ngần ngại bày tỏ chính kiến của mình và đã có những tranh luận khá gay gắt. Tuy nhiên, những hiện tượng nói trên cũng “không phải hiếm” như lời bà Chủ nhiệm Lê Thị Nga.

Mong rằng Quốc hội hãy tiếp tục phát huy tiến trình này mà cụ thể tại thời điểm này, xây dựng Luật Tổ chức Quốc hội trên tinh thần dân chủ nhất bởi nếu Quốc hội mà không có dân chủ thì không ở đâu có dân chủ!

Bùi Hoàng Tám