Một chỉ đạo kịp thời và nhân văn!

(Dân trí) - Tháng 12/2019, Tấm lòng nhân ái của Dân trí đăng tải hoàn cảnh “Người mẹ đau lòng khi phải nhốt con trong cũi sắt” với mã số 3580 đã lấy nước mắt của hàng nghìn độc giả.

Một chỉ đạo kịp thời và nhân văn! - 1

Theo nội dung bài viết này, anh Dương Văn Toàn sinh năm 1984 bị mắc bệnh tâm thần từ năm 2002, dù đã được gia đình cho điều trị tại bệnh viện tâm thần song tình hình không thuyên giảm. Gia đình đã phải nhốt anh Toàn vào cũi vì lo lắng nếu thả anh ra ngoài thì anh có thể sẽ không làm chủ được bản thân mà để xảy ra sự việc đáng tiếc khó lường.

Mẹ anh - bà Dương Thị Thụ, sinh năm 1947 gần 20 năm chồng qua đời đã phải một mình chăm sóc con trai. Đã hơn 70 tuổi, lại trong diện hộ nghèo nhưng bà Thụ vẫn phải hằng ngày bón cho con từng thìa cơm, chỉ cầu xin con trai đừng đánh mình.

“Giờ tôi cũng già rồi không còn đủ sức để chống đỡ nữa. Nó đừng đánh tôi thì tôi còn chăm được nó, chứ tôi mà gãy tay, gãy chân ra đó thì lấy ai chăm nó đây?” - chia sẻ đẫm nước mắt của bà Thụ khiến người đọc không khỏi xót xa, thương cảm.

Sau khi được báo Dân trí thông tin, đã có hang chục triệu đồng của bạn đọc đã được chuyển đến người mẹ già khốn khổ. Nhưng tin vui hơn đó là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có chỉ đạo kịp thời xuống chính quyền địa phương tỉnh Hà Nam giúp đỡ hoàn cảnh gia đình bà.

Tiếp nhận chỉ đạo của Bộ trưởng, ông Trần Hồng Sơn - Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam, cùng chính quyền địa phương đã hướng dẫn gia đình bà Thụ hoàn tất hồ sơ để tiếp nhận anh Toàn được vào chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội.

Hiện, anh Toàn đã được chính quyền địa phương và các ban ngành của tỉnh Hà Nam đưa anh vào Trung tâm nuôi dưỡng để chăm sóc.

Người viết cho rằng, đây là biện pháp tối ưu, hợp lý nhất đối với hoàn cảnh của không chỉ gia đình bà Dương Thị Thụ mà còn của những trường hợp có hoàn cảnh tương tự.

Vẫn biết tình mẫu tử khiến bà Thụ không đành khi con trai được chuyển đi nơi khác, nhưng trong hoàn cảnh đó, dẫu được hỗ trợ về vật chất thì khả năng chăm sóc đối với một bệnh nhân như anh Dương Văn Toàn vẫn khó mà được đảm bảo.

Chưa kể, tuổi cao sức yếu, bà cũng đã đến lúc cần được nghỉ ngơi và yên tâm rằng, con trai của bà sẽ được nuôi dưỡng, chăm nom chu đáo.

Việc giải thoát cho anh Toàn khỏi cũi sắt cũng là giải thoát cho bà Thụ khỏi gánh nặng cuộc sống và nỗi lo lắng, bất an canh cánh trong lòng bấy lâu. Đó thực sự là một giải pháp giàu tính nhân văn và không thể tốt hơn!

Cũng từ trường hợp của gia đình mẹ con bà Thụ - anh Toàn thấy rằng vẫn còn không ít trở ngại về tâm lý của những gia đình có người bị bệnh tâm thần trong việc đưa người thân đến các cơ sở bảo trợ xã hội, dù rằng đó là nơi tốt nhất, có chuyên môn, có đủ điều kiện để chăm sóc bệnh nhân.

Việc giữ lại bệnh nhân để chăm sóc cũng là một trong những cách giải quyết, song có thể sẽ tạo gánh nặng cho người thân, là mối nguy hiểm tiềm tàng với những người xung quanh, dẫn đến phải khống chế bệnh nhân bằng những biện pháp bất đắc dĩ như nhốt vào cũi, vào phòng kín hay cùm chân, xích tay…

Do đó, chỉ đạo nhân văn, kịp thời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong trường hợp cụ thể nói trên, thiết nghĩ cũng là lời nhắc nhở để các cơ quan chức năng tại địa phương sâu sát hơn với các hoàn cảnh khó khăn, có đề xuất hợp lý và thuyết phục, để không còn trường hợp nào như gia đình bà Dương Thị Thụ.

Bích Diệp