Mong khi soi vào tấm gương này để biết hai từ "xấu hổ"!

(Dân trí) - “Có những lúc vì những sáng kiến của mình, tôi phải bán xe máy của vợ để lấy tiền thực hiện. Nếu chờ tiền của nơi tôi công tác thì chắc phải mất một năm. Qua đây cho thấy, nếu mình kiên trì và quyết tâm thì sẽ thành công. Nhà khoa học cần phải lấy hiệu quả làm đầu để cho xã hội tin mình”.

 

Mong khi soi vào tấm gương này để biết hai từ "xấu hổ"! - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đó là tâm sự của TS Nguyễn Bá Hải - Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và đào tạo nhân lực công nghệ cao ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM tại cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu ngày 11/9 vừa qua.

Từ lâu, cái tên Nguyễn Bá Hải không xa lạ đối với nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những nhà kỹ thuật công nghệ. Anh là tác giả của “lớp học 1USD” nhằm khơi gọi niềm say mê sáng tạo ở những nhà nghiên cứu trẻ.

Khi mới 28 tuổi, vị tiến sĩ này đã có 5 công trình sáng chế quốc tế và là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014.

Cách đây mấy năm, TS Hải đã từ chối mức lương khoảng 5.000 USD/tháng tại Viện nghiên cứu quốc gia hàng đầu về ôtô của Hàn Quốc để trở về Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh với mức lương chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng.

Từ năm 2010, TS Hải đã dày công nghiên cứu để sáng chế ra “mắt thần”, một dụng cụ dò tìm đường cho người khiếm thị và từng bước cải tiến dụng cụ này. Đến nay, “mắt thần” đã được thị trường Việt Nam chấp nhận và đang xuất khẩu sang một số nước tiên tiến, trong đó có Mỹ.

Báo cáo với Thủ tướng tại buổi gặp mặt, TS Hải cũng cho biết ở Việt Nam hiện có khoảng 1,2 triệu người khiếm thị trong đó, khoảng 300.000 người là mù hoàn toàn. Thời gian tới, công ty của TS Hải sẽ tiếp tục sản xuất 5.000 chiếc để tặng cho các đối tượng nói ở trên.

Trước một sản phẩm thiết thực và sự đóng góp vì cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định “đặt hàng” ngay TS Hải 300.000 kính để tặng miễn phí cho người khiếm thị Việt Nam.

Theo Thủ tướng thì đây là sản phẩm có giá trị, do người Việt Nam sáng chế ra, không có lý gì người Việt Nam lại không được dùng.

Về chủ trương, chính sách đối với các nhà khoa học, Thủ tướng nói: “Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta luôn ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư phát triển nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia.

Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để các nhà khoa học, nhất là đội ngũ các nhà khoa học trẻ phát triển tài năng, sáng tạo, đóng góp thiết thực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Về phần mình, TS Hải tâm sự: “Chúng ta, ai cũng có thể làm từ thiện bằng nhiều cách. Hãy bắt đầu bằng việc đóng góp một vài ngày công của mình giúp ích cho những người khó khăn hơn, để xã hội một tốt đẹp hơn”.

Xin chúc mừng TS Hải với những khát vọng lớn cùng với tinh thần nhân văn và sẻ chia sâu sắc.

Hi vọng rồi đây, một thế hệ các nhà khoa học trẻ đầy tài năng và lòng nhân ái, hi sinh tất cả vì sự nghiệp khoa học kỹ thuật để cái quá khứ buồn “công trình xếp ngăn kéo” không còn là vệt mờ, ám ảnh nền khoa học kỹ thuật nước nhà.

Hi vọng rồi đây Việt Nam sẽ “xuất khẩu tiến sĩ” để không chỉ “giải quyết tồn đọng tài năng” mà còn nâng cao vị thế khoa học kỹ thuật Việt Nam trên trường quốc tế.

Mong rằng sẽ còn nhiều những nhà sáng chế dám “bán xe máy của vợ” để thực hiện ý tưởng khoa học của mình và vắng bóng những “nhà khoa học” coi dự án khoa học kỹ thuật như là “chùm khế ngọt”…

Và mong rằng những ai có bằng tiến sĩ mà chưa có đóng góp gì cho nước, cho dân, cho khoa học soi vào tấm gương này để biết hai từ "xấu hổ"!

 

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!