Món riêu cua hóa chất bẩn thỉu và “lương tâm rách nát”

(Dân trí) - Cuối tuần qua, một video clip được Đài truyền hình quốc gia VTV đăng tải đã khiến hàng vạn người không khỏi rùng mình, ớn lạnh: Một xưởng chế biến cua xay dùng để làm những món đặc sản riêu cua (bún riêu cua, bánh đa cua, lẩu riêu cua…) bày bán la liệt ngoài hàng quán lại được người ta dùng xẻng xúc cát trộn hóa chất như trộn… vữa!


(Minh họa Ngọc Diệp)

(Minh họa" Ngọc Diệp)

Trong bản tin này, VTV cho biết, để thu được nhiều lợi nhuận nhất có thể, chủ cơ sở này đã tận dụng thu mua những loại cua thải, cua chết tại những khu chợ về chế biến. Và để khử mùi hôi thối, tạo màu tươi ngon, chủ cơ sở này còn trộn thêm nhiều loại hóa chất không nguồn gốc tạo màu, tạo mùi để trong những chiếc thùng cáu bẩn không theo bất cứ một tỷ lệ nào.

Điều đáng nói là hàng tấn cua xay bẩn thỉu trên lại được đóng gói với nhãn mác đàng hoàng ghi đầy đủ thông tin. Theo đó, không khó để chủ cơ sở kinh doanh có thể tự đặt in tem nhãn, giả mạo xuất xứ cua xay ở Đồng Tháp. Thế nhưng, khi quản lý thị trường kiểm tra, chủ cơ sở lại không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; hàng hóa cũng không có chứng từ, hóa đơn với nguyên liệu đầu vào.

Rất nhiều câu hỏi quẩn quanh và đầy ám ảnh sau khi xem những bản tin về thực phẩm bẩn mà tivi phát sóng. Có lẽ rất nhiều người cũng như người viết bài này đã cảm thấy hoang mang cực độ, tự vấn mình trong suốt thời gian qua đã tự rước bao nhiêu thứ hóa chất độc hại kia vào người, khi mà thực phẩm bẩn đã trở thành một mạng lưới trùng trùng, điệp điệp bủa vây cuộc sống hàng ngày.

Chẳng nhẽ, cứ có tin cua xay hóa chất lại thôi ăn cua; gà, lợn nuôi bằng thức ăn chứa chất kích thích lại thôi ăn thịt; rau củ phun thuốc, mầm giá dùng chất kích phọt… lại khỏi ăn rau? Đâu phải lúc nào cũng có điều kiện ăn đồ quê do người nhà gửi ra thành phố, đâu phải lúc nào cũng có thể cơm nhà 3 bữa mà không một lần ra ăn hàng, ăn quán?

Là người tiêu dùng sống giữa Thủ đô, thế nhưng cho đến giờ phút này vẫn phải nơm nớp nỗi lo cái ăn, cái uống. Thực phẩm, hàng quán la liệt đấy, chẳng thứ gì là không có, mà có cảm giác gì cũng thiếu, thiếu đồ sạch, thiếu niềm tin!

Cách đây không lâu, một doanh nhân kinh doanh thực phẩm theo tiêu chuẩn Global Gap có nói với tôi, công ty anh kinh doanh gà sạch đóng gói chân không, nhưng tới 5-6 cơ quan kiểm soát, thiếu một giấy chứng nhận thôi thì hàng không ra thị trường được. Điều đó chứng tỏ là, đâu phải người tiêu dùng không có ai bảo vệ?

Thế nhưng thật kỳ lạ, trong khi có những nơi “bội thực” với thanh tra, kiểm tra, dăm bữa nửa tháng lại có một đoàn giám sát thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn ra sức hoành hành. Quản lý thị trường lý giải rằng họ không đủ nhân lực, lực lượng mỏng, nhưng nghe ra thật khó thuyết phục khi mà báo chí chẳng khó khăn gì để thỉnh thoảng lại “khui” ra được một cơ sở vi phạm.

Những quán ăn vặt đóng san sát trước những trường mầm non, tiểu học; những quán ăn bình dân mọc lên như nấm quanh trường đại học, các khu trọ công nhân và cả những khu phố tấp nập người qua lại… Họ vẫn đóng những loại “phí” không tên vốn được người dân gọi là “tiền bảo kê” và hầu như chẳng phải lo về kiểm định, giám định chất lượng.

Thế rồi, mỗi năm cả nước lại có hơn 75.000 người chết vì ung thư, nghĩa là mỗi ngày có hơn 200 người chết mà 35% nguyên nhân gây ung thư được xác định do thực phẩm bẩn. Những số phận không may ấy có thể là bất cứ ai trong mỗi chúng ta, không có “thẻ bài” cho riêng một người nào, dù giàu, dù nghèo trong xã hội. Mà điều lo nhất là, những thực phẩm độc hại ấy đang giết dần, giết mòn cả thế hệ tương lai: Là những cháu bé với xiên thịt nướng lề đường, là những sinh viên nghèo bên những quán cơm trong hẻm và cả những thanh niên bên những nồi lẩu nghi ngút khói trong các quán bình dân…

Ai chịu trách nhiệm cho những điều đó? Khi mà dường như một bộ phận không nhỏ người kinh doanh đã để lương tâm mình rách nát? Khi không ít cán bộ trong lực lượng chức năng sẵn sàng ngoảnh mặt làm ngơ trước sự mua chuộc của đồng tiền? Chẳng lẽ họ không sợ?

Cũng đúng thôi, từ 2011-2016, trên 300 vụ vi phạm quy định về vệ sinh an tòa thực phẩm chuyển qua hình sự, nhưng chỉ khởi tố 1 vụ, 3 bị can. Hơn nữa, như ông Cao Đức Phát từng nói, phải "chết người" rồi mới thấy tội. Đến khi có người chết vì ung thư, có ai đền tội đâu?!

Những trăn trở ấy, bản thân tôi không tìm ra lời giải được. Lời giải xin chờ những quan tòa!

Bích Diệp