“Lỏng đầu vào”, “chặt đầu ra” để ít nhất không phải “đào tạo lại”!
(Dân trí) - Một diễn đàn hấp dẫn được đồng nghiệp của chúng tôi ở báo Tuổi trẻ tổ chức đã thu hút nhiều nhà giáo và dư luận quan tâm. Đề tài mang tên “Đã đến lúc cho ghi danh vào đại học và siết kỹ đầu ra?”.
Có một thực tế, sau “cơn mưa tháo khoán”, số trường đại học “mọc lên như nấm”, đã xảy ra tình trạng khan hiếm sinh viên khiến việc tuyển sinh ở một số trường đại học lâm vào cảnh “vơ bèo, vạt tép”.
Đã từng xảy ra tình trạng đầu vào chỉ cần trung bình 3 điểm/môn hay việc một thí sinh nhận được cả chục giấy mời nhập học cũng không phải là hiếm. Và càng không hiếm việc không ít sinh viên tốt nghiệp, ra trường nhưng lơ ngơ “như mơ giữa ban ngày”, không hiểu, thậm chí không biết cả những khái niệm chung nhất của ngành nghề mình theo học để sau đó, rất nhiều trường hợp phải “đào tạo lại”.
Trở lại với đề tài trên Tuổi trẻ, câu hỏi đặt ra như đã nói ở trên, có nên ghi danh vào đại học và siết chặt đầu ra hay không? trên diễn đàn có hai luồng ý kiến khác nhau.
TS Nguyễn Kim Quang - Nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng đã đến lúc có những thay đổi đột phá trong tuyển sinh đại học bằng cách mở đầu vào và siết chặt đầu ra, đồng thời phải có nhiều quy định chặt chẽ để đầu ra đảm bảo chất lượng đào tạo.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đồng tình cho rằng điểm thi THPT hiện nay không còn là tiêu chí quan trọng trong tuyển sinh, không nên tập trung quá nhiều vào chuyện thi cử, xét tuyển mà nên cho phép các trường đại học có thể tuyển sinh bằng cách ghi danh…
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thiên Phúc (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) lại cho rằng các ngành đặc thù như y dược, kiến trúc, sư phạm… vẫn cần tuyển sinh đầu vào.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) còn khẳng định, không thể buông lỏng đầu vào.
“Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tại đại học, tôi thấy việc tuyển sinh đầu vào rất quan trọng, không thể buông lỏng khâu tuyển đầu vào được. Ngoài ra, các trường muốn đảm bảo chất lượng phải kiểm soát rất chặt đầu ra”. GS Đức nói.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, thực tế nhiều nước phương Tây cũng tuyển theo kiểu ghi danh. Vấn đề là họ có quy trình đào tạo rất nghiêm, họ sàng lọc rất ghê. Mình cũng nên học tập cách đó. Tuy nhiên ở Việt Nam, buông phần tuyển đầu vào quá thì không được.
Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng hãy để việc tuyển sinh cho nhà trường toàn quyền quyết định. Họ có thể thi hoặc xét tuyển hoặc ghi danh. Song, đầu ra thì quản lý thật chặt trên cơ sở một mặt bằng chung do Bộ GD&ĐT quản lý. Vấn đề ở đây là kết quả cuối cùng…
Song, nói gì thì nói, cốt lõi vẫn là ý thức bởi mọi lề luật là do con người tạo ra nên chặt hay lỏng, hay hay dở cũng bởi con người. Một khi cố tình luồn lách thì, như lời người xưa: “Trông người ngay, ai trông được kẻ gian”…
Tóm lại, nên để lỏng đầu vào, song phải chặt đầu ra cộng với phương pháp đánh giá khoa học và đội ngũ thẩm định công tâm, minh bạch thì khi đó, mới hi vọng các kỹ sư, cử nhân khi ra trường ít nhất là không phải “đào tạo lại”!