Siết chặt đầu vào liệu có giải quyết được bức xúc về đào tạo sư phạm?

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc siết chặt “đầu vào” khó giải quyết được những bức xúc về đào tạo sư phạm hiện nay...

Trong đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành sư phạm chính quy năm 2017 có tổng số 673 ngành đào tạo sư phạm có thí sinh trúng tuyển. Trong số này có tới 302 ngành lấy điểm xét tuyển từ điểm sàn là từ 15,5 điểm đến dưới 20 điểm; 197 ngành lấy điểm xét tuyển dưới 15,5. Đặc biệt, nhiều ngành sư phạm có điểm trúng tuyển thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, nhiều ngành thuộc khối y, dược, kinh tế, kỹ thuật có điểm trúng tuyển cao, từ 25 đến trên 29 điểm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc siết chặt “đầu vào” khó giải quyết được những bức xúc về đào tạo sư phạm hiện nay (ảnh minh họa)
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc siết chặt “đầu vào” khó giải quyết được những bức xúc về đào tạo sư phạm hiện nay (ảnh minh họa)

Ông Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội nêu thực tế: “Sư phạm khối nghệ thuật như sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật hay là khối sư phạm khoa học tự nhiên như Sinh, Hóa, s Lý thì công tác tuyển sinh thực sự đáng báo động. Trường ĐH Thủ đô Hà Nội thì đối với những mã ngành này mới tuyển sinh ở trình độ cao đẳng. Trước thực trạng công tác tuyển sinh không đạt được chất lượng mong muốn, nhà trường quyết định là không tuyển sinh tiếp nữa để mà giữ được chất lượng đào tạo của nhà trường”.

Mức điểm trúng tuyển ở nhiều ngành sư phạm thấp khiến dư luận xã hội lo lắng về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai khi những thí sinh có điểm trúng tuyển thấp trở thành giáo viên.

Một trong những giải pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra để nâng cao chất lượng đào tạo là từ năm 2018 sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên khi xét tuyển. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, việc siết chặt đầu vào đối với các ngành đào tạo sư phạm chỉ giải quyết được phần ngọn, giải quyết được bức xúc trước mắt của dư luận xã hội mà chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề đó là thu hút được người tài vào sư phạm.

Cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An- Hà Nội nói: “Dù điểm sàn có nâng lên bao nhiêu nữa, nhưng vấn đề là học sinh thi vào có đạt được sàn ấy không, có đủ chỉ tiêu xét tuyển không và học sinh điểm cao có vào những trường sư phạm với mức điểm sàn cao lên hay không. Vậy thì gốc vấn đề nằm trong việc ngành sư phạm có đủ sức hấp dẫn với học trò không mới là quan trọng. Ai cũng nhìn thấy, ra trường rất nhiều sinh viên sư phạm thất nghiệp. Thứ 2 dù có xếp hàng vào trường công thi biên chế thì cũng là cuộc chạy đua thật là khó khăn”.

Thực tế điểm trúng tuyển vào nhiều ngành sư phạm thấp cũng cho thấy, thí sinh, đặc biệt là thí sinh giỏi không mặn mà với ngành sư phạm. Trong khi ngành sư phạm đang trong tình trạng “ế ẩm” vì sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, tình trạng dư thừa giáo viên cục bộ xảy ra ở nhiều địa phương… thì việc quy định điểm sàn đầu vào sư phạm cũng không có nhiều ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Đó là chưa kể đến thực trạng các cơ sở đào tạo vẫn đang trong vòng luẩn quẩn làm sao để tuyển sinh đủ chỉ tiêu thì mới có kinh phí hoạt động. Vì vậy, nếu hạ điểm sàn thì tạo mâu thuẫn về chất lượng, nhưng nâng điểm sàn thì lại càng khó tuyển sinh.

PGS Văn Như Cương, trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân mà các trường sư phạm năm nay xuống cấp hơn so với mọi năm là đánh giá của xã hội đối với người thầy, đãi ngộ của xã hội đối với người thầy. Những điều hành còn lộn xộn, theo kiểu rách đâu thì vá đấy nên mọi người rất không an tâm.

"Hệ thống các trường sư phạm nhiều quá, mà trong lúc đó vẫn thừa. Chúng ta phải nghiên cứu số liệu thừa thiếu như thế nào để phân bố lại trường sư phạm. Trường sư phạm phải làm nhiệm vụ sắp tới nặng nề hơn nhiều là đào tạo lại, dạy lại” - PGS Văn Như Cương nêu quan điểm.

Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, giải pháp quy định điểm sàn riêng cho ngành sư phạm khi tuyển sinh từ năm 2018 chỉ là một trong những giải pháp trước mắt để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.

Để giải quyết những bức xúc trong đào tạo sư phạm hiện nay thì quan trọng là phải có các giải pháp đồng bộ để xử lý được những vấn đề lớn hơn như: dôi dư giáo viên, tạo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm, thu hút người giỏi vào sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm…

Theo các chuyên gia, để có một sinh viên sư phạm giỏi ra trường, trở thành một nhà giáo giỏi gắn bó, cống hiến với nghề thì phải làm tốt cả 3 khâu gồm: đào tạo, bồi dưỡng; tuyển chọn, sử dụng và cuối cùng là đãi ngộ. Trong ba khâu này, ngành GD-ĐT chỉ có nhiệm vụ ở khâu đầu tiên đó là đào tạo, bồi dưỡng. Vì vậy, “làm thế nào để hút được người giỏi vào ngành sư phạm?” là câu hỏi không chỉ một mình ngành giáo dục có thể giải đáp được.

Theo Minh Hường

VOV