Lời cảnh tỉnh cho "ham hư danh, thích sống ảo"
(Dân trí) - Không ít người háo hư danh, thậm chí làm tất cả chỉ để có được chút hư danh khoe trên mạng xã hội dẫn đến những việc làm sai trái mà 2 vụ việc dưới đây là ví dụ.
(VĐV áo đỏ (che mặt) bị phát hiện gian lận tại Tiền Phong marathon)
Đầu tiên là vụ một nữ vận động viên (VĐV) gian lận ở giải chạy marathon cự ly 21km dành cho lứa tuổi trên 45 thuộc giải Tiền Phong marathon được tổ chức hồi cuối tháng 3 tại Gia Lai. Một nữ VĐV ở lứa tuổi trung niên (thậm chí nhiều người ở lứa tuổi này đã lên chức bà), khiến nhiều người thán phục khi về nhất với thời gian 1 giờ 59 phút 45 giây hóa ra thành tích đó có được là nhờ người khác... chạy hộ.
VĐV này cũng lên kế hoạch hết sức tinh vi, khi có mặt trên vạch xuất phát, nhận Bib thi đấu, chạy "làm le" vài trăm mét rồi đưa Bib cho một nam VĐV khác chạy hộ. Nữ VĐV sau đó lên xe ô tô phi nhanh đến chặng đường chuẩn bị về đích, chờ đến lúc nam VĐV chạy tới nơi thì cầm Bib của mình và tung tăng chạy về đích nhận thưởng.
Rất may nhóm Cộng đồng chạy bộ - nhóm giành cho những người yêu thích chạy bộ và cũng không ít trong số họ tham dự giải đấu - đã kịp thời phanh phui vụ gian lận. Cả đôi nam nữ VĐV trên ngay sau đó nhận cái kết đắng: Bị tước huy chương, cấm thi đấu vĩnh viễn ở các giải đấu do báo Tiền Phong tổ chức.
Tưởng như vụ gian lận ở giải chạy tại Gia Lai hồi tháng 3 là bài học xương máu cho những VĐV "không làm lại muốn có ăn, không chạy lại thích hư danh", thì mới đây, giải chạy marathon quốc tế TP HCM lại tiếp tục xuất hiện vụ gian lận tinh vi không kém.
Đó là trường hợp nữ VĐV Nguyễn Lan Anh, gian lận để có thành tích về nhì ở cự ly 42,195km dành cho lứa tuổi từ 30 đến 39. Cự ly 42,195 km thực sự là cung đường thử thách giới hạn của bản thân, mà ngay cả các nam VĐV chuyên nghiệp cũng không dễ hoàn thành. Nên thật bất ngờ khi một "liễu yếu đào tơ" lại chinh phục quãng đường hơn 42km nói trên chỉ trong thời gian 3 giờ 56 phút 01 giây.
Và chính sự kinh ngạc về khả năng chạy đường dài của nữ VĐV Nguyễn Lan Anh, nên cộng đồng mạng lại "super soi" để phát hiện ra sự thật phũ phàng là nữ VĐV này không hề xuất hiện trên đường chạy. Thay vào đó, số Bib của cô là do một nam VĐV khác cầm chạy hộ trên suốt quãng đường.
Xem lại hai vụ gian lận của các nữ VĐV nói trên, tôi vừa thấy thương, thấy tội lại vừa... thấy ghét. Thương là vì ở lứa tuổi không còn được xem là "nông nổi", "nhẹ dạ" nữa, nhưng vì cần có chút hư danh để sống ảo, để khoe trên mạng xã hội mà "bất chấp tất cả" để thực hiện hành vi gian lận đáng xấu hổ. Thấy tội là bị "bóc phốt" rồi thì từ nay về sau hình ảnh gian lận sẽ không biết giấu đi đâu với người thân gia đình, bạn bè xung quanh.
Nhưng quan trọng nhất là tôi vẫn thấy ghét, bởi những hành vi gian lận như trên sẽ xóa bỏ bao công sức, mồ hôi nước mắt tập luyện của những người chạy chân chính khác. Dẫn chứng rằng, khi biết cự ly 42km ở giải Tiền Phong marathon, hai VĐV nam và nữ về nhất chỉ được trao giải 12 triệu đồng mỗi người, quá ít so với mồ hôi công sức để chinh phục quãng đường vô cùng khó khăn nói trên một nhà hảo tâm đã trao tặng thêm mỗi người 50 triệu đồng.
Nếu những vụ việc gian lận trót lọt, những người chạy chân chính sẽ vừa bị tước mất số tiền lớn lại vừa mất đi thành quả lao động miệt mài và mệt nhọc của chính mình. Đó được xem là hành vi "ăn cắp giải thưởng" đáng xấu hổ trên đường đua vốn chỉ dành cho những người luôn xem thể thao là sân chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe và thử thách giới hạn bản thân.
Liên tiếp những vụ VĐV gian lận bị "bóc phốt", dù sao cũng là lời cảnh tỉnh cho thói "ham hư danh, thích sống ảo" từ nay cũng "một vừa hai phải" thôi, phải không các bạn?