Liệu có ai tin lời của ông Tôn Kiến Quốc?

(Dân trí) - Trong cuộc trả lời hãng Reuters bên lề Đối thoại Shangri-La về thông tin Trung Quốc đưa pháo ra một hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết nếu đúng sự thực thì đó là diễn biến rất đáng lo ngại.

Liệu có ai tin lời của ông Tôn?

"Nếu điều đó thực sự xảy ra thì đó là tín hiệu rất xấu cho tình hình vốn đã rất phức tạp ở Biển Đông", Tướng Nguyễn Chí Vịnh còn bày tỏ: "Tôi luôn hy vọng rằng, cộng đồng quốc tế sẽ luôn có trách nhiệm với hòa bình, ổn định và phát triển khu vực và cũng không bỏ qua những hành động vi phạm luật pháp quốc tế".

Cũng tại Đối thoại Shangri-La, liên quan đến biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nêu quan điểm dứt khoát: “Đầu tiên, chúng tôi muốn có một giải pháp hòa bình cho mọi cuộc tranh chấp. Để chấm dứt điều đó, cần chấm dứt ngay lập tức và lâu dài đối với việc bồi đắp đảo”.

Ông Carter đưa ra thông tin, chỉ trong vòng 18 tháng, Trung Quốc đã cải tạo hơn 800 ha. Với tốc độ cải tạo trung bình gần 50 ha/1 tháng, cho thấy Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông. Là Bộ trưởng Quốc phòng của nước Mỹ, ông Carter không thể đưa ra một con số không chính xác.

Nếu để Trung Quốc tiếp tục cải tạo các bãi ngầm trên quần đảo Trường Sa, thì chỉ trong vòng vài năm, đúng là sẽ hình thành “vạn lý trường thành” trên biển Đông.

Không có bất cứ quốc gia nào lên tiếng ủng hộ việc Trung Quốc xây dựng các công trình trên quần đảo Trường Sa, mà phản đối mạnh mẽ trước những hành động gây hấn nguy hiểm của Trung Quốc. Nguy hiểm vì chính các công trình đó cho thấy Trung Quốc đang quân sự hóa các vùng này, điều này sẽ rất dễ dẫn đến xung đột. Đã xảy ra xung đột thì tất cả các quốc gia liên quan đều bị ảnh hưởng hoặc thiệt hại.

Cho nên, ông Carter nhấn mạnh rằng, tranh chấp về lãnh thổ ở biển Đông không thể giải quyết bằng con đường quân sự.

Cộng đồng quốc tế hướng tới sự hòa bình, nhưng hòa bình không thể đạt được khi có một quốc gia vi phạm chủ quyền của quốc gia khác, chủ động gây xung đột bằng các hành động quân sự hóa. Trung Quốc đã bất chấp dư luận quốc tế, bất chấp luật pháp quốc tế khi liên tục thực hiện các hành vi xâm phạm vào lãnh hải, lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc hành động phi pháp khi xây dựng các công trình quân sự nhưng lại tỏ ra "chính nghĩa" - khi ông Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc biện minh rằng - các cơ sở mà Trung Quốc xây dựng nhằm hỗ trợ các trách nhiệm quốc tế liên quan đến cứu nạn, cứu hộ, nghiên cứu, bảo vệ môi trường.

Cả thế giới khẳng định Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và an ninh trên biển Đông, còn ông Tôn Kiến Quốc lại chống chế: “Tình hình trên biển Đông hoàn toàn hòa bình và ổn định và không có vấn đề gì về tự do đi lại”.

Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam năm 2014, dùng tàu sắt húc chìm tàu cá Việt Nam mà cứu hộ, cứu nạn ai?

Trung Quốc cải tạo hàng trăm ha trên các bãi đá mà bảo vệ môi trường, mà là có trách nhiệm quốc tế hay sao?

Trung Quốc chuyển vũ khí lên các đảo đang chiếm giữ phi pháp mà nghiên cứu cái gì?

Liệu có ai tin lời của ông Tôn Kiến Quốc ?

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!