Lãnh đạo và chuyện “lì xì”, phong bì... ngày Tết

(Dân trí) - Tại phiên họp thường kỳ tháng 11 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này”.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đây là một trong những chỉ đạo rất đáng chú ý của người đứng đầu Chính phủ thời gian gần đây. Chỉ đạo của Thủ tướng đặt trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thực hiện chủ trương phòng chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực và càng ý nghĩa hơn khi dịp Tết nguyên đán tới gần.

Xưa nay, việc thăm hỏi, chúc Tết trong dịp đầu xuân, năm mới luôn được coi là nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Đây là dịp để mọi người cùng nhau gặp gỡ, ôn cố tri tân, bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng, thể hiện sự gắn kết, chân tình.

Nhưng cũng không rõ tự bao giờ, văn hóa này đã “chuyển hóa” thành một dịp để cấp dưới hối lộ cấp trên, nhân viên lấy lòng lãnh đạo. Việc chúc Tết không đơn thuần chỉ xuất phát từ tấm lòng mà đã được khoác thêm vào những mục đích khác, dần trở thành một thứ “lệ”, người ta phải đi theo mà không cần biết rằng người biếu tặng có thực lòng muốn gửi và người được biếu tặng có thực tâm muốn nhận hay không.

Bởi, đằng sau những món quà, những lời chúc sáo rỗng, nhưng phong bao, phong bì mừng tuổi là một thỏa thuận ngầm, một yêu cầu, một cam kết – nói cách khác là một dạng giao dịch có đi có lại. Cha ông ta có câu: “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu”.

Thế mới nói, con trẻ Tết đến thì vui mừng, phấn khởi. Còn người lớn cận kề Tết thì tất bật, kêu khổ, kêu mệt dù nghỉ Tết cả tuần liền, cũng là bởi cái “lệ” lo Tết, chuẩn bị quà mà “đi Tết cấp trên”.

Đâu đó có người năm nào dịp gần tết nhà cửa cũng chật ních người ra vào từ sáng đến khuya, thời gian cho gia đình, cho bản thân không có. Quà cáp đầy nhà mà nhìn ra thành “đống nợ”, nhận cũng không được mà chối cũng chẳng xong. Thành ra, Tết muốn được nghỉ ngơi, có thời gian thăm hỏi họ hàng thì già trẻ, lớn bé phải kéo về quê hoặc đi du lịch, cửa khóa im ỉm như “đi sơ tán”.

Lại đâu đó cũng có những gia đình, trông chờ cả năm đến dịp Tết mong gặt hái. Rằng “của chồng, công vợ”, chồng có lên làm to, có nhà cao cửa rộng thì cũng nhờ cậy hậu phương ở nhà tiếp đón khách khứa, lo toan chu tất cho cấp dưới, cấp trên. Thực tế đó, dù nói dù không thì vẫn hiện hữu trong xã hội chúng ta đang sống.

Thủ tướng nói, không chúc Tết Thủ tướng, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành – đây là một thông điệp rất rõ ràng, rằng Thủ tướng, Chính phủ sẽ làm gương, đi đầu trong một nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính. Chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề “không biếu xén, không phong bao, phong bì” cũng là một biểu hiện cụ thể của tinh thần chống lợi ích nhóm, sân sau, tham nhũng trục lợi, xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, “duyệt – cấp”, tình trạng quan hệ thân hữu để hưởng các ưu đãi ngầm đang diễn ra trong xã hội mà Thủ tướng đã nêu tại một sự kiện tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa sau đó.

Người xưa có câu “đường xa vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên”. Điều này có thể hiểu là muốn theo đuổi một lý tưởng, hoàn thành một nhiệm vụ lớn thì điều tiên quyết, quan trọng phải bắt đầu bằng hành động.

Nhân dân trân trọng sự quyết liệt của Thủ tướng và những nỗ lực vì sự minh bạch, trong sạch mà Thủ tướng, Chính phủ đã thể hiện trong thời gian vừa qua, nhưng người dân cũng mong mỏi những chỉ đạo đó của Thủ tướng sẽ không chỉ dừng lại ở lời “kêu gọi” mà phải thông qua một cơ chế kiếm soát, giám sát, thi hành Luật phòng, chống tham nhũng với những chế tài đủ mạnh.

Bích Diệp