Bạn đọc viết

Không chúc tết tặng quà lãnh đạo: Một chủ trương hợp lòng dân của Thủ tướng

Ngoài chế tài ra, để ngăn chặn được vấn nạn đi ngược lại thuần phong mĩ tục này, cần sự gương mẫu của quan chức các bộ ngành, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Vừa qua, kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao.

Thủ tướng nêu rõ: “Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.

Ngay lập tức, thông điệp trên của Thủ tướng nhận được sự đồng tình của dư luận.

Theo dõi phản ứng của độc giả trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi thấy hầu hết bạn đọc tỏ ý hoan nghênh chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng về một vấn đề tuy không mới nhưng năm nào cũng khiến dư luận phải bận tâm.

Bạn đọc có nickname Ngọc Toàn bày tỏ: "Cá nhân tôi là một người dân, tôi hoàn toàn ủng hộ Thủ tướng về chủ trương này. Càng ngày tôi thấy càng có niềm tin vào Chính phủ và Thủ tướng. Rất mong Chính phủ và Thủ tướng quyết liệt và dứt khoát trong việc này. Rất mong Thủ tướng và các thành viên Chính phủ hãy làm gương và quyết liệt thực hiện".

Bạn đọc Nha trang: "Đề nghị Thủ tướng có công văn sớm và mở rộng "toàn hệ thống quản lý nhà nước , đảng viên" phải thực hiện".

Bạn đọc Lê Minh Sơn tỏ ý tin tưởng: "Hy vọng Chính phủ có cơ chế giám sát hữu hiệu để giảm bớt vấn nạn này".

Tại cuộc họp báo chiều 29/11 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng cho rằng đây là hành động gương mẫu để thực hiện nghị quyết TƯ 4. Bộ trưởng cho biết, tinh thần của Thủ tướng là chủ động tập trung chăm lo Tết cho người dân.

Người phát ngôn Chính phủ nhắc lại một chỉ đạo tương tự của Thủ tướng là sau khi Quốc hội bầu Thủ tướng, phê chuẩn các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng đã thừa lệnh Thủ tướng ký ngay văn bản yêu cầu các địa phương, bộ ngành không đến tặng hoa, chúc mừng Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và bộ trưởng.

Những động thái tích cực trong thời gian vừa qua của Thủ tướng và Chính phủ đã và đang tạo niềm tin cho người dân về một chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động.

Chủ trương xóa bỏ chuyện tặng quà, phong bao dịp lễ tết của Thủ tướng đã nhận được sự đồng thuận sâu sắc của người dân nhưng quan trọng hơn là phải được sự hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện của người trong cuộc là người cho và nhận quà.

Ai tặng quà, ai nhận quà vào những dịp đặc biệt này? Rõ ràng không thể là người dân bình thường. Người cho kẻ nhận ở đây là quan chức với nhau, là cấp dưới với cấp trên, là người có chức nhỏ với người có chức to…

Mục đích của việc này ai cũng biết, không ít trường hợp thăm hỏi chúc tết chỉ là cái cớ còn tặng quà mới quan trọng. Giá trị món quà hay phong bao tùy thuộc vào ý đồ của người tặng và khả năng "quan tâm" của người nhận.

Chuyện tặng quà từ xa xưa vốn để thể hiện cái tình trong sáng nhưng mươi mười lăm năm gần đây đã bị biến tướng thành hành động mưu cầu danh lợi, thực chất đấy là một dạng mua bán, hối lộ, tạo mảnh đất màu mỡ ươm mầm cho tham nhũng, cho nạn mua quan bán chức.

Cho nên ngoài chế tài ra, để ngăn chặn được vấn nạn đi ngược lại thuần phong mĩ tục này, cần sự gương mẫu của quan chức các bộ ngành, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.

Thủ tướng và thành viên Chính phủ sẽ làm gương. Lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, các địa phương và trường học trong cả nước cũng phải làm gương, phải thấm nhuần điều mà Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chia sẻ: “Tôi là người địa phương tôi biết, mỗi lần Tết đến là lo lắm. Nên việc có công bố như vậy là rất phấn khởi cho các địa phương từ xa xôi. Đây cũng là một cách để thực hiện Chính phủ liêm chính”.[5]

Nhân chuyện này nhớ lại hơn hai mươi năm trước, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt đã ra một chỉ thị chấn động dư luận. Đó là chỉ thị số 406-TTg ngày 08 tháng 8 năm 1994 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước từ ngày 1 tháng 1 năm 1995. Lần đầu tiên cả nước đón Tết Nguyên đán vắng tiếng pháo nổ, không khí tuy có trầm lắng nhưng lòng người thì lại rất vui vì thoát khỏi ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm khói và tai nạn thương tật do pháo gây ra. Thời gian đã chứng minh đó là một quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.

Hi vọng chủ trương của Thủ tướng về việc không chúc Tết cấp trên, không biếu xén, không phong bao sẽ được lãnh đạo các ngành các cấp, các địa phương hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện, tạo niềm tin cho người dân về một Chính phủ minh bạch và liêm khiết.

Nguyễn Duy Xuân