“Làm thối móng tay”, “chạy xe ôm”, “bán chổi đót” & giáo trình Cambridge, Harvard
(Dân trí) - Ba tấm gương đã đủ đốt cháy mọi giáo án của các trường đại học như Thương mại, Học viện Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân… Mà không, nó có thể còn làm sụp đổ cả những giáo trình lớn của các trường đại học tầm cỡ nhất thế giới như Cambridge hay Harvard.
Tôi cam đoan ở ta có ba nghề hái ra tiền, hơn cả “buôn tầu, bán bè”, thậm chí, hơn cả buôn quyền lực dù người xưa có câu “Buôn vàng, bán bạc không bằng buôn vua, bán chúa”. Nghề này rất dễ, rất quen thuộc và thậm chí, chả cần học hành nhiều nhặn gì cho lắm.
Vâng, xin nói ngay, đó là nghề “làm thối móng tay”, “chạy xe ôm” và “bán chổi đót”.
Để chứng minh điều này, xin lấy dẫn chứng từ ba câu chuyện người thật, việc thật, của cải cũng rất thật vừa mới diễn ra ở chính Việt Nam chúng ta.
Chuyện thứ nhất là của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Cách đây ít lâu, trả lời câu hỏi của báo chí về khối tài sản khủng của mình, ông Truyền nói: “Khi đã nghỉ hưu, tôi cũng về làm vườn, lao động đến thối cả móng tay, cực nhọc lắm chứ đâu bở”.
Quá đúng. Làm gì có chuyên tham ô, tham nhũng ở đây bởi tài sản này đã được kiểm tra, làm rõ, kết luận và bằng chứng là cho đến thời điểm này, ông Truyền vẫn bình an, vô sự. Vậy thì chắc chắn chỉ nhờ khoản lương công chức bèo bọt, sự giúp đỡ của người thân và chủ yếu là bởi “làm thối móng tay” nên ông Truyền mới sở hữu nhiều lô đất, nhà và biệt thự khủng như vậy. Thế thì ai nói làm nông dân là nghèo là khổ, nhỉ?
Chuyện thứ hai là của ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Tâm sự với báo chí, ông Kỷ nói rằng số tiền mà ông Kỷ xây ngôi biệt thự khủng 2 tầng diện tích gần 200m2, khu nhà bếp, nhà khách 91m2, hồ bơi 153m2, hồ nước 625m2 cùng 3 thửa đất có tổng diện tích gần 1 ha tại tổ dân phố 11, phường Ea Tam… là nhờ “chạy xe ôm từ thời trai trẻ”.
Hỡi “tầng lớp” xe ôm Việt Nam, hãy nhìn vào tấm gương ông Kỷ mà học tập!
Chuyện thứ ba, mới đây nhất, trả lời phóng viên Dân trí về nguồn gốc khu biệt thự khủng, trị giá ít nhất cũng nhiều chục tỉ đồng, ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái nói: “Thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng. Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ…”.
Nghe những tâm sự trên, không thể không thốt lên: Tuyệt văn vời!
Xin đề nghị Đài truyền hình Việt Nam hãy phát liên tục, phát suốt ngày đêm Chương trình “Làm giàu không khó”, miễn là “Đừng để tiền rơi”.
Xin các ông bố, bà mẹ ngày ngày đang phấp phỏng chờ kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học và tuyển sinh đại học vừa mới đây khoan mơ ước con mình đỗ đạt để “đổi đời”, thoát kiếp ngày ngày úp mặt vào ruộng đất hay không phải vô nghề nghiệp, kiếm cái xe ôm hoặc làm những nghề nhiều mồ hôi như đánh giáy, bán chổi đót.
Hãy mau mau mua cho con mình cái cày, cái cuốc, cái xe máy cà tàng hay bộ đồ đánh giày hoặc học nghề nấu rượu, làm giá đỗ.
Có thể giờ đây chưa giàu nhưng cứ yên tâm bởi “Điều gì đã xảy ra ở quá khứ, sẽ xuất hiện trong tương lai”. Hãy “phục binh” chờ sẵn, lúc cơ hội đến là thành triệu phú, thậm chí là tỉ phú.
“Nói có sách, mách có chứng”, với ba tấm gương trên đã đủ đốt cháy mọi giáo án của các trường đại học như Thương mại, Học viện Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân… Mà không, nó có thể còn làm sụp đổ cả những giáo trình lớn của các trường đại học tầm cỡ nhất thế giới như Cambridge hay Harvard.
Mong các ông bà nông dân, các anh chị chạy taxi xe ôm, các em bé bán chổi đót, đánh giày, xin hãy đợi một ngày mai tươi sáng!
Bùi Hoàng Tám