“Kiểm điểm, phê bình, khiển trách…” và “lỗi tại cậu… đánh máy”?!
(Dân trí) - Hi vọng rằng sẽ không có những “hình phạt nghiêm khắc” như “phê bình”, “khiển trách”… “rút kinh nghiệm sâu sắc” và còn mong hơn nữa, không có “cậu đánh máy” hay “anh em tham mưu” chung chung mà phải có họ tên “chính chủ” đứng ra chịu trách nhiệm vụ việc này.
Một thông tin đang gây bức xúc dư luận, đó là trong Báo cáo của Bộ Tư pháp gửi Quốc hội ngày 19.7.2019 vừa qua, có một số số liệu được gọi là “gần đây nhất” đã có ít nhất từ… 14 năm trước (2005)!
Cụ thể, trong Báo cáo gửi Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô do Bộ trưởng Tư pháp thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng viết: “Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2”.
Điều đáng nói là trước đây 9 năm, tất cả những con số trên đã từng được đăng tải y nguyên trên báo Nhân dân điện tử (ngày 17/9/2010): "sau hàng loạt đợt quan trắc phối hợp giữa sở Khoa học – Công nghệ thành phố Hà Nội và Viện Hóa học, các nhà khoa học cho biết, mỗi năm, bầu không khí tiếp nhận 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2".
Trước báo Nhân dân gần 5 năm (30/11/2005), trên bản tin của Tuổi trẻ Online cũng đã viết: "theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, mỗi năm thành phố tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 46.000 tấn khí CO từ hơn 400 cơ sở công nghiệp".
Vì sao có sự “giống nhau đến thế” này? Có lẽ chỉ có 2 khả năng. Một là các chỉ số trên ở Hà Nội 15 năm qua vẫn y nguyên, không có sự thay đổi nào và hai là bản Báo cáo “nhai lại” số liệu đã được “ướp formol chống thiu thối”.
Về khả năng thứ nhất là không thể xảy ra bởi chỉ bằng mắt thường cũng có thể cảm nhận không khí Hà Nội ngày xưa trong lành hơn bây giờ và lượng các chất trên thải ra môi trường không như bây giờ. Lý do, ngày xưa dân số ít hơn, xe cộ ít hơn, nhà máy, công xưởng ít hơn và cây xanh, hồ nước… nhiều hơn.
Đó là chưa kể đến những tác động mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu và gần đây nhất, Hà Nội luôn trong tình trạng được thông báo mức độ ô nhiễm cao.
Do đó, hoàn toàn có thể những số liệu trong bản Báo cáo đã được “sao y bản chính” từ 15 năm trước, khi mà Hà Nội và Hà Tây chưa sáp nhập (2008). Việc này tờ tợ như đem kết quả xét nghiệm của cậu bé 5-6 tuổi để chẩn đoán và điều trị cho chàng trai… 19 - 20 tuổi hay ngược lại.
Trước những thông tin trên, được biết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội để kiểm tra, làm rõ và thông tin mới nhất chúng tôi vừa được biết, đó là chiều 11/10, trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu thừa nhận việc sử dụng số liệu về môi trường Hà Nội từ năm 2005 để đánh giá về thi hành Luật Thủ đô là do bộ phận tham mưu sơ suất, lấy thông tin trên mạng mà thiếu kiểm chứng.
“Anh em tham mưu làm sơ suất, không để ý thông tin tờ báo đó đã dẫn lại thông tin từ năm 2005. Bài báo đó cũng không chú thích về việc dẫn nguồn thông tin lấy từ năm 2005 nên anh em sơ suất lại tưởng số liệu mới”. Ông Hiếu nói.
Nghe Thứ trưởng Hiếu giải thích, không thể không “phổ” mấy câu theo bài dân ca nổi tiếng của Mỹ “Bốn đêm say”:
“Thế gian này tôi đã đi ngàn dặm – Có thể nhiều hơn cơ – Nhưng báo cáo mà dùng thông tin trên mạng – Quả tôi chưa thấy bao giờ!”.
Được biết cùng ngày (11.10), Bộ Tư pháp đã có thông cáo báo chí và như vậy là chỉ trong thời gian ngắn, sự việc đã được làm sáng tỏ. Đây là việc làm kịp thời, đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, tiếc rằng “anh em tham mưu” là ai vẫn chưa được chỉ rõ và cũng không biết sẽ có hình thức xử lý như thế nào?
Mong rằng sẽ rất nghiêm khắc bởi việc làm - xin lỗi được nói thẳng là “ngu dốt và tắc trách” này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đánh giá khoa học về môi trường Thủ đô mà còn là hành vi coi thường Quốc hội, coi thường cử tri cả nước và ảnh hưởng đến uy tín của chính lãnh đạo cơ quan mình.
Cũng hi vọng rằng sẽ không có những “hình phạt nghiêm khắc” như “phê bình”, “khiển trách”… “rút kinh nghiệm sâu sắc” và còn mong hơn nữa, không có “cậu đánh máy” hay “anh em tham mưu” chung chung mà phải có họ tên “chính chủ” đứng ra chịu trách nhiệm vụ việc này.
Bùi Hoàng Tám