Không sợ phải nộp thuế mà chỉ sợ thu thuế không công bằng

(Dân trí) - Người dân không phản ứng trước việc nộp thuế, mà chỉ phản ứng nếu thuế thu không hợp lý, không công bằng và đồng thuế thu về không được sử dụng đúng mục đích mà thôi.

Không sợ phải nộp thuế mà chỉ sợ thu thuế không công bằng - 1

Việc đề xuất đánh thuế tài sản mà đáng chú ý là đánh thuế nhà, đất mà Bộ Tài chính đưa ra gần đây đang tạo ra những tranh cãi lớn, có ý kiến phản đối, có ý kiến ủng hộ, thậm chí cho rằng, chính sách thuế này ban hành càng sớm càng tốt!

Tuy nhiên, có một điểm chung là ý kiến của các chuyên gia đầu ngành đều đánh giá: đề xuất thu thuế tài sản mà Bộ Tài chính đưa ra chưa thuyết phục và có nhiều điểm chưa phù hợp.

Không chỉ là thuế tài sản đâu mà cả việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và một số loại thuế khác, bất cập lớn nhất là cơ quan soạn thảo chưa đưa ra được lý do khiến người dân cảm thấy đề xuất đó là “chính đáng” và tạo cảm giác là trong khi ngân sách quá khó khăn, không cân đối được nên cơ quan thuế đang tìm đủ mọi cách để thu thuế, bào mòn sức dân.

Trong khi đó, mỗi một ngày đọc báo, người dân lại thấy những đồng thuế của họ không được sử dụng hợp lý, đúng nơi đúng chỗ, thậm chí là lãng phí.

Nói thẳng ra, cán cân ngân sách thâm hụt, thu không đủ bù chi, nguyên nhân chính có phải là do hội nhập, là do thu thuế nhập khẩu giảm hay do lỗi quản lý chi tiêu không chặt chẽ? Đây là câu hỏi mà bất cứ người dân nào cũng mong nhận được câu trả lời từ cơ quan quản lý thuế.

Nói như chuyên gia kinh tế Bùi Trinh: “Các nước không sử dụng trên 70% tổng chi để chi thường xuyên; họ cũng đâu có lấy tiền thuế để xây cổng chào trăm tỷ, tượng đài ngàn tỷ; không lấy tiền thuế để đầu tư công gây lãng phí và các nước cũng không có những doanh nghiệp nhà nước thua lỗ như Vinashin, Vinalines”. Do đó, không thể lúc nào cũng viện dẫn câu thần chú “thông lệ quốc tế” để áp dụng, sẽ khó thuyết phục nhân tâm.

Nếu chỉ để bù đắp hụt thu ngân sách thì có lẽ cần phải xem xét lại tính cần thiết của các chính sách thuế mới. Không thể nào cứ thiếu tiền chi tiêu lại đề xuất các loại thuế mới hoặc tăng thêm thuế bù vào được. Trước khi muốn tăng thu thì phải cho thấy những nỗ lực giảm chi, nói đúng hơn là những nỗ lực trong việc chi đúng nơi đúng chỗ, xoá bỏ tình trạng tiền ngân sách “chui” vào túi một nhóm cá nhân, nhóm lợi ích nào đó.

Chưa kể, nhìn chung, người dân vẫn còn nghèo, tổng thu nhập của người dân hiện chỉ bằng khoảng 94% tổng tiêu dùng nên việc tăng thu thuế hay mở rộng cơ sở thu thuế cũng cần được cân nhắc và tính toán để đảm bảo công bằng, trúng mục tiêu an sinh xã hội.

Riêng về thuế tài sản, vừa rồi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng dự án luật này. Lý do là về mặt quy trình,dự luật này mới chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất chính sách.

Tuy nhiên, với quan điểm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong một cuộc làm việc với Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam sáng 17/4: “Chúng ta đi sát dân hơn, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân nhiều hơn trong giải quyết các công việc của đất nước” thì hy vọng cơ quan soạn thảo sẽ rút kinh nghiệm để đưa ra những lý lẽ thuyết phục hơn trên cơ sở thực tế và khoa học.

Nếu chính sách thuế này thực sự giúp ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ nhà đất; tạo điều kiện giảm giá bất động sản, giảm chi phí về đất đai cho sản xuất hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia... thì người viết tin rằng, người dân sẽ ủng hộ.

Bởi, người dân không phản ứng trước việc nộp thuế, mà chỉ phản ứng nếu thuế thu không hợp lý, không công bằng và đồng thuế thu về không được sử dụng đúng mục đích mà thôi.

Bích Diệp