(Dân trí) - Đó là nhận xét của nhiều bạn đọc gửi về BLOG Dân trí xung quanh bài viết “30% công chức không làm được việc lỗi do ai?” của tác giả Lê Chân Nhân. Lý do mà các bạn đưa ra là con số đó còn… quá thấp so với thực tế.
(Minh họa: Vũ Toản)
Dưới đây là một số ý kiến mà các bạn đã gửi về cho chúng tôi.
“Một cơ quan Phòng văn hóa có 10 người, 6 người ngồi chơi xơi nước, tới tháng lãnh lương. 4 người cuối năm tất bật vắt chân lên chạy. Việc nhiều chẳng dám giao cho cán bộ tại chức, học hành thế nào 4 năm mà word để giấy dọc, ngang không biết thì giao thế nào? Đôi lúc mình làm mệt, nghĩ thấy người ta ngồi uống nước nói dóc, mình tức lộn ruột. Nói ra thì "mất đoàn kết nội bộ". 30% CBCC không làm được việc, bài viết của anh quá khiêm tốn phải 50% mới đúng”. Nguyễn Bảo Khangtienvinhvhttpl@yahoo.com.vn
“Tôi có nói chuyện với một số người ngoài Bắc khi có dịp ra ngoài đó chơi, ở đây tôi không có ý phân biệt vùng miền, thì khi nói chuyện về việc làm cho cơ quan Nhà nước thì họ đều xác nhận là lương không đủ sống nhưng có điều là họ thích là khi về già được Nhà nước nuôi. Cái tư tưởng sống bám nhu thế, cái ghế ngồi của công chức được mua bán nhu thế thì những kẻ có tư tưởng sống bám này trong cơ quan Nhà nước đâu có ít, con số 30% này có khi lại là ít đấy”. Tam Datientruong010@yahoo.com
“Cảm ơn tác giả và Dân trí đã đề cập đến vấn đề công chức hiện đang nhức nhối hiện nay. Thế thì dân an tâm thế nào được. Con số tác giả đưa ra 30% không làm việc được là quá khiêm tốn. Thực chất lớn hơn 50%. Có nhiều công chức tốt, công chức có tài nhưng phát huy sao được trong "cơ chế" hiện nay, khi lãnh đạo của họ không cần cái tài quản lý mà cần ở họ cái tài "xoay xở " để phục vụ sự kiếm chác cho sếp... Nhiều nhân tài của đất nước vì danh dự, vì không chịu nhục nên không đua chen, mua bán chức quyền nên đứng ngoài giữ danh tiết vậy”. Nguyễn Văn Vân Vannv@gmail.com
“Quan điểm của tôi là trong 30% ( nếu đúng) thì có đến 15% là do không được sử dụng nên bị cùn dẫn đến không đáp ứng yêu cầu công việc. Chỉ cần giải quyết khâu lãnh đạo là ngon ngay thôi, 30% chứ 50% thì cũng chỉ 2 năm là OK”. Lang Thanglangthang.namdinh@gmail.com
“Tôi chưa đồng ý lắm vì thực tế là trên 50% công chức không làm được việc, 40% lãnh đạo ngồi vào vị trí cho oai”. Công Tâminhbnh@yahoo.com.vn
"Thi công chức với giá trên 100 triệu thì 30% không làm được việc là không đúng đâu, tôi nghĩ những trường hợp thi bằng tiền để ngồi vào ghế công chức thì phải đến 70% là không biết làm việc mới đúng”. Đoàn Anh Duythaiduong4102000@gmail.com
“Tôi nghĩ có khi phải đến 50% ấy, nói 30% vẫn còn là khiêm tốn...”. Tuyết Phạm anhtuyetpham86@gmail.com
“Con số 30% tôi e là còn khiêm tốn. Hiện tượng mua việc làm (bỏ ra khoảng 100 đến 200 triệu) để xin vào một cơ quan nào đó... Rồi lại một khoản như vậy nữa khi đến kỳ thi tuyển công chức... Tệ nạn này dân biết, cán bộ, quan chức đều biết. Rồi đến chuyển nhân viên tham giá đấu giá các chức phó phòng, phó ban. Các phó lại tham gia đấu giá cái ghế trưởng... Hỏi rằng công chức và lãnh đạo địa phương (không phải tất cả nhưng có lẽ trên 50 %) như vậy thì trên cả nước ta con số 30% công chức không đủ yêu cầu có lẽ còn do thông kê chưa đầy đủ”. Thiếu Sơnhtronghieu@gmail.com
“Xin bổ sung với tác giả là khoảng 30% không làm được việc + 30% không chịu làm việc. Những đối tượng này đã không làm việc nhưng lại thích hưởng thụ, ăn nhậu, chơi bời, picnic, chùa chiền, chơi golf, đánh tennis… Một số thì đua đòi, làm đẹp, thời gian ở siêu thị, tiệm thời trang, cửa hàng làm đầu nhiều hơn ở công sở. Nếu có làm tý việc thì đòi hỏi chế độ nọ, chế độ kia, “Nói như rồng leo, làm như mèo mửa”, “Làm thì láo, báo cáo thì hay”, “Nịnh trên, lừa dưới”… Muốn kinh tế, xã hội phát triển, đất nước phát triển thì phải cải cách hành chính một cách thực sự, khơi thông các nút thắt, thanh lọc, loại bỏ những cán bộ, công chức …dởm”. Nguyễn Sỹ Tỉnhnguynstnh@yahoo.com.vn.
“Tôi đồng ý với ông Nguyễn Sỹ Tỉnh, phải là 60% chứ không phải 30% đâu”. Phạm Lâmsmallest_factory@yahoo.com
“Tôi cho là 30% công chức không đáp ứng yêu cầu là con số còn ít. Đây là vấn đề chung đối với các tổ chức có yếu tố Nhà nước, bao gồm cả doanh nghiệp. Tại sao con số ấy là ít? Vì ở khối doanh nghiệp nhà nước, con số thực tế đã cao hơn. Có giám đốc doanh nghiệp Nhà nước thừa nhận con số ấy là 40% trong khi chúng ta đều biết áp lực công việc của doanh nghiệp chắc chắn là cao hơn. Tổ chức dân doanh thường tinh gọn, con người kiêm nhiệm nên không vướng vấn đề này”. Hungtinihungtini2003@yahoo.com
“Bài viết này quá đúng sự thật, chỉ có 30% là ít đấy các bạn ạ thực tế thì hơn con số này rất nhiều”. Võ Thị Thơithoiducpho@gmail.com
*****
Không nói là còn nhiều hơn như ý kiến của các bạn đã nêu, nếu con số 30% là chính xác thì hậu quả của nó đã thật khủng khiếp. Không chỉ trả lương hàng tháng cho hàng triệu kẻ ăn không ngồi rồi, Nhà nước mà cụ thể là tiền thuế của dân phải còng lưng gánh thêm rất nhiều các khoản chi khác như điện nước, phòng ốc, xăng xe cùng hàng loạt các khoản bảo hiểm, ốm đau, lễ tết…. Và không chỉ ngày hôm nay mà mãi mãi về sau, cả khi họ đã về hưu vẫn tháng tháng lĩnh lương.
Đó là chưa kể những kẻ lười biếng thường kèn cựa với người chăm chỉ. Kẻ bất tài thường ghen ghét với người có năng lực. Đó là bi kịch!
Thế nhưng, làm thế nào để giải bài toán này vẫn là câu hỏi không hề dễ.
Theo các bạn, con số trên là bao nhiêu? Có nên làm một cuộc sát hạch như ý kiến của bạn traislamb - trainv.slhpp@gmail.com: “Theo tôi phải sát hạch lại toàn bộ nhân viên và các bộ trong các bộ máy công quyền”?
Nguyễn Hoàng
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.