30% công chức không làm được việc lỗi do ai?
(Dân trí) - Các công bố khác nhau liên quan đến chất lượng của công chức cho thấy hơn 30% công chức không đáp ứng được công việc. Con số này thực sự là một mối lo ngại đối với chất lượng của chính quyền, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng xã hội.
(Minh họa: Vũ Toản)
30% số công chức này chỉ ở vị trí cán bộ bình thường cũng đã gây thiệt hại cho bộ máy, nhưng nếu có những cán bộ lãnh đạo không đáp ứng được yêu cầu công việc thì hậu quả còn lớn hơn. Không ai dám đảm bảo rằng trong số 30% này không có một vài chục phần trăm rơi vào những chiếc ghế lãnh đạo. Một người lãnh đạo yếu kém hoàn toàn khác với một công chức yếu kém, điều này có thể thấy được từ những gì đã xảy ra trong thực tiễn.
Biết rõ mồn một như vậy, nhưng sự bất hợp lý này vẫn tồn tại và gần như chưa thấy có phương sách giải quyết. Hiện nay, trong các cơ quan nhà nước, cái cảnh ngồi “buôn chuyện” hay chơi game chờ hết giờ vẫn còn khá phố biến. Có những người suốt đời công chức chủ yếu là đi họp, từ cuộc họp nhỏ đến hội thảo, hội nghị. Họp rồi để tiếp tục họp nữa mà chẳng mang lại lợi ích, sáng kiến gì cho đơn vị. Chính vì vậy nên người dân đến cơ quan công quyền, thường phải gặp ách tắc vì cán bộ bận đi họp.
Vậy thì nhà nước phải trả lương cho khoảng gần bảy triệu công chức không làm việc được, tức là nhân dân đóng thuế để nuôi một đội ngũ vô tích sự này. Đội ngũ không làm được việc không chỉ hưởng lương, sáng vác ô đi tối vác về, mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Họ là lực cản cho sự vận hành của hệ thống hành chính công vì sự trì trệ, kém cỏi của mình, chưa kể họ có thể là nguyên nhân của nhiều tiêu cực, sách nhiễu người dân, gây mất đoàn kết nội bộ.
Ngoài số tiền lương, nhà nước còn phải trả tiền cho những chi tiêu khác như điện, nước, điện thoại, công tác phí cho số công chức không làm được việc, chi phí này không nhỏ, và đây là một sự lãng phí ghê gớm, kéo dài năm này qua năm khác.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại tuyển dụng số công chức này? Trong xã hội có rất nhiều người giỏi, nhưng họ không được vào làm việc ở các cơ quan nhà nước, nguyên nhân vì sao?
Câu trả lời cũng rất rõ, vì tiêu cực trong tuyển dụng, vì tình trạng chạy việc, chạy ghế, chạy chức... Qua nhiều kỳ họp Quốc hội, vấn nạn này được đặt ra phân tích, phê phán, nhưng biện pháp xử lý vẫn chỉ là lý thuyết.
Ai có quyền tuyển dụng? Lãnh đạo của mỗi cơ quan chịu trách nhiệm đầu tiên về việc tuyển dụng, lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền liên quan cũng có trách nhiệm khi chấp thuận. Không thể đổ lỗi cho cái chung chung vô hình vô tướng.
Công chức không làm được việc một phần do sự hạn chế về năng lực và trình độ của họ, nhưng còn có nguyên nhân từ sự quản lý điều hành yếu kém của lãnh đạo đơn vị. Một cơ quan mà có đến 30% công chức không làm được việc thì người lãnh đạo có xứng đáng làm lãnh đạo nữa không?
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!