Không “bão tố” nào làm chúng tôi chùn bước!

(Dân trí) - Ngày 9/11, một đồng nghiệp của chúng tôi, nữ nhà báo trẻ Nguyễn Thị Hồng Sen (SN 1986), phóng viên Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ đã bị tai nạn giao thông trên đường lấy tin bài phản ánh về công tác phòng chống bão lũ trước khi siêu bão Haiyan theo dự báo đổ bộ vào Quảng Ngãi.

Không “bão tố” nào làm chúng tôi chùn bước!

 (Nhà báo Hồng Sen ra đi trong sự tiếc thương vô hạn...)

Sự ra đi của chị là một tai nạn đau thương nhưng không làm những người làm báo Việt Nam nản chí hay run sợ bởi ngay từ khi bước chân vào nghề này, chúng tôi đã hiểu và xác định báo chí là “Nghề nguy hiểm” như tên một bộ phim nổi tiếng.

Mọi tai nạn và tai họa đều có thể rình rập những người làm báo chúng tôi trên mỗi nẻo đường. Mang trên mình sứ mạng “cánh chim báo bão của thời đại”, chúng tôi luôn có mặt ở các điểm nóng bỏng tại những thời điểm nóng bỏng của sự kiện.

Đó là những chiến trường vẫn còn ngập tràn thuốc súng chiến tranh hay hang ổ của các băng đảng maphia khét tiếng. Đó là nơi lũ lụt ngập tràn hay núi lửa, cháy rừng đang tàn phá. Đó là nơi dịch bệnh hoành hành hay các cuộc phân chia sắc tộc đẫm máu…

Mỗi năm, trên thế giới đã có hàng trăm nhà báo hi sinh trên con đường đầy chông gai của sự nghiệp.

Gần đây nhất, nếu năm 2011 thế giới có tới 107 nhà báo thiệt mạng thì năm 2012 được coi là năm đẫm máu của các nhà báo bởi chỉ 9 tháng đầu năm đã có 110 nhà báo thiệt mạng.

Năm nay theo dự báo của các tổ chức báo chí thế giới, số lượng các nhà báo thiệt mạng có thể còn lớn hơn bởi chiến tranh xảy ra triền miên và thiên tai ngày càng khốc liệt.

Tại Việt Nam, qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, đã có hơn 400 nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ và đồng thời cũng là nhà báo anh dũng hi sinh vì Tổ quốc.

Đó là các Nhà văn, Nhà báo Nam Cao, Trần Đăng của kháng chiến chống Pháp. Là nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thành Long, là nữ nhà báo Dương Thị Xuân Quý trong chống Mỹ hay Nhà báo Vũ Hiến, phóng viên báo Hải Quân Việt Nam, hi sinh năm 1979 tại chiến trường Biên giới Tây Nam…

Trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã có không ít nhà báo bị hành hung, đe dọa đến tính mạng. Chuyện đánh đập, cướp tài liệu, máy điện thoại, máy ảnh là chuyện không hiếm gặp.

Đã có nhiều nhà báo bị thương tích mà gần đây nhất là cái chết của nữ Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Sen. Chị ra đi để lại đứa con thơ chưa đầy 3 tuổi….

Tuy nhiên, không có bất cứ thế lực nào, dù là thiên tai hay nhân tai làm chúng tôi khiếp sợ. Không cầm súng, vũ khí của chúng tôi là cây bút, là máy ảnh và những hay những máy quay video…

Vào những ngày bão tố này, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đang lăn lộn hết mình tác nghiệp trong vùng nguy hiểm nơi tâm bão đi qua như Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Họ đang cùng với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng làm nhiệm vụ để mọi thông tin kịp thời đến với độc giả.

Xin chia buồn cùng gia đình nữ Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Sen.

Cầu cho hương hồn chị siêu thoát nơi vĩnh hằng. Tấm gương của chị, tinh thần hết lòng vì nghề nghiệp của chị mãi mãi là động lực cùng chúng tôi đồng hành trên con đường gian nan, nghiệt ngã của một nghề được thế giới coi là nguy hiểm nhất.

Có lẽ giờ đây hàng ngàn, hàng vạn độc giả đang thương xót chị bởi nhân dân luôn yêu mến và đồng hành cùng những người làm báo chúng ta.

Xin thắp nén hương thơm trước hương hồn người đồng nghiệp của một nghề nguy hiểm và xin khẳng định rằng sẽ không có thế lực nào có thể làm chúng ta khuất phục, không có “bão tố” nào làm chúng ta chùn bước, phải không chị!

 

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!