Không bắn pháo hoa khi vẫn còn hàng vạn người dân mất tết
(Dân trí) - Gần như đã là mặc định, cứ đến giao thừa năm nào cũng bắn pháo hoa. Năm nay, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã sớm lên kế hoạch bắn pháo hoa như Hà Nội dự kiến bắn tại 30 điểm-số lượng bắn rất lớn. Năm nay, giao thừa không bắn pháo hoa ban đầu cũng gây bất ngờ, thậm chí, có người còn nói cảm thấy hụt hẫng. Nhưng đến thời điểm này, có lẽ đa số ý kiến đồng tình với quyết định này.
Việc bắn pháo hoa từ nhiều năm nay được nhiều người ưa thích, chờ đón. Bởi từ lâu, sau khi Nhà nước cấm các loại pháo nổ thì thay cho tiếng pháo, pháo hoa không chỉ là một bữa tiệc ánh sáng mà nó còn được coi như một tín hiệu thời khắc giao thừa, sang xuân. Nên có những nơi, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, để có một chỗ ngồi đẹp xem bắn pháo hoa đẹp nhất, người ta phải trả tới 400- 500 ngàn đồng.
Bắn pháo hoa ở địa phương này, địa phương khác, nhiều khi còn cho thấy sự phát triển của nơi đó. Như Hà Nội, trước đây khoảng 10 năm, thường người ta cũng chỉ bắn ở 3-4 điểm thôi: Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Hồ Thuyền Quang. Nhưng mấy năm nay, Thành phố mở rộng, phát triển ra thì bắn đến hàng chục điểm, để ở các quận mới, người dân cũng được xem pháo hoa. Duy năm nay, Hà Nội dự kiến ban đầu bắn tới 30 điểm, thì nhiều người lại cho rằng cũng khá lãng phí vì nhiều điểm bắn quá gần nhau.
Thế nên yêu cầu không bắn pháo hoa của Ban bí thư Trung ương Đảng với các địa phương không phải không gây nên bất ngờ. Nhưng ngay lập tức, các tỉnh, thành phố đều cho biết sẽ tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo này. Và như vậy, năm nay, chắc chắn Tết sẽ không có pháo hoa.
Nếu chỉ mới nghe tin không bắn pháo hoa giao thừa năm nay, có thể cũng có không ít người hẫng hụt. Nhưng khi biết lý do, đa số ý kiến độc giả trên các báo, mạng xã hội tỏ ý tán đồng. Bởi việc dừng bắn pháo hoa, được nêu rõ là dùng kinh phí đó chăm lo Tết cho hàng chục ngàn người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách.
Tôi nhớ, cũng vào năm ngoái, khi công bố kế hoạch bắn pháo hoa, cũng khá nhiều ý kiến đề nghị bớt bắn pháo hoa đi để hỗ trợ cho những người nghèo do ảnh hưởng của những đợt thiên tai, lụt bão năm 2015. Vậy thì lý do không bắn pháo hoa năm nay càng đúng đắn hơn bởi năm nay, hậu quả các trận lũ, lụt tại miền Trung thực tế còn nặng nề hơn năm trước rất nhiều.
Thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, chỉ riêng trong mấy đợt mưa lũ gần nhất trong các tháng 11-12 ở các tỉnh miền Trung, số người thiệt mạng do mưa lũ đã trên 60 người; nhà ở, ruộng vườn, các cơ sở chăn nuôi, nuôi cá, tôm... của người dân tan hoang trong lũ, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Nên có thể nói chính xác rằng, năm nay, hàng vạn người dân ở các tỉnh miền Trung bị "mất tết".
Cho nên, trong bối cảnh đó, việc các tỉnh, thành phố tuân thủ chỉ đạo của Trung ương không bắn pháo hoa là việc làm hợp lẽ, đúng đạo lý của dân tộc "một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ"- thể hiện sự chia sẻ với người dân các tỉnh miền Trung và cả hàng vạn hộ nghèo, các gia đình chính sách mà năm nay, ngân sách Nhà nước khó khăn càng cần phải tiết kiệm để vẫn thực hiện được các chính sách an sinh xã hội.
Tuy nhiên, việc ngừng bắn pháo hoa năm nay, có lẽ không chỉ nên dừng ở ý nghĩa đó mà còn nên coi đó như một trong những biện pháp siết chặt chi tiêu ngân sách trong bối cảnh cân đối thu, chi ngân sách nhà nước ngày một khó khăn, trong bối cảnh nợ công vẫn đang tăng nhanh. Để cùng với đó, Nhà nước nên có giải pháp thắt chặt chi tiêu công một cách tổng thể để không chỉ có nguồn làm tốt công tác an sinh xã hội mà còn đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển, hạn chế lãng phí.
Nếu chỉ ngừng bắn pháo hoa nhưng đâu đó, vẫn để tình trạng chi tiêu bừa bãi như ở Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai mà báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh nêu, chi ăn uống, tiếp khách trái quy định trên 3,2 tỷ đồng/năm; đâu đó vẫn có tình trạng xây dựng công trình không cấp bách, gây lãng phí thất thoát, vẫn có tình trạng lãng phí trong mua sắm, sử dụng xe công... thì ý nghĩa của những khoản tiết kiệm như ngừng bắn pháo hoa sẽ không thực sự lớn như mong muốn.
Mạnh Quân