Khóa tình bắc nhịp cầu yêu

(Dân trí) - Để cầu chúc cho tình yêu bền vững, mãi nồng nàn bất thấp thời gian, có biết bao cách tỏ bày lãng mạn, ấn tượng. Với riêng tôi, trong các chuyến đi tác nghiệp làm báo, để lại dấu ấn Valentine nhất là những chiếc khóa tình trên những cây cầu, quảng trường, tường thành…

 
Lời tòa soạn:
 

Cùng "bay cao hơn" với "Chuyện 2-6"

Bạn đọc thân mến,

Như vậy là chuyên mục Blog "Chuyện 2-6" của Dân trí đã "cất cánh" được gần 1 năm. Mở đầu bằng bài viết mang tên "Cất cánh" của cây bút Joe người Canada, lên mạng ngày 12/04/2010, tới nay Blog Dân trí đã giới thiệu tới bạn đọc rất nhiều bài viết của Joe về nhiều “ngóc ngách” trong cuộc sống. Đều đặn hàng tuần vào ngày Thứ Hai và Thứ Sáu, Blog Dân trí đã trở thành một món ăn tinh thần thú vị và quen thuộc, được bạn đọc đón đợi và hào hứng chia sẻ thông qua hàng trăm comment cho mỗi bài viết. Góc nhỏ này của trang "Nhịp sống trẻ" đã trở thành một kênh tương tác sôi động giữa Dân trí với độc giả khắp nơi.

Bước sang năm mới Tân Mão 2011, trước những thịnh tình và mối quan tâm ngày càng tăng của bạn đọc dành cho chuyên mục, Dân trí xin trân trọng thông báo việc mở rộng Blog "Chuyện 2-6", với sự tham gia của một loạt cây bút mới bao gồm cả "Ta" lẫn "Tây". Mục tiêu của chúng tôi là làm cho chuyên mục ngày càng phong phú, đa dạng; với nhiều góc nhìn hơn, phản ánh được nhiều khía cạnh hơn của cuộc sống, đặc biệt là nhịp sống trẻ; nâng cao tính tương tác trong thời đại thông tin đa chiều.

Như thường lệ, Blog "Chuyện 2-6" vẫn là nơi độc giả bàn luận, trao đổi ý kiến với các tác giả cũng như với nhau về quan điểm đối với các vấn đề "nóng".

Thay mặt các bạn đọc, Dân trí xin cảm ơn Joe đã cùng chúng tôi xây dựng nên chuyên mục Blog thú vị này và đã đồng hành cùng Dân trí cũng như cộng đồng bạn đọc trong suốt thời gian qua.


Trong thời gian tới, vì bận việc cá nhân, nên cây bút đầu tiên của “Chuyện 2-6” Joe không thể tiếp tục tham gia với chuyên mục. Nhưng Joe hứa sẽ có bài chia tay với độc giả vào Thứ sáu tuần này 18/2/2011, các bạn đón xem nhé!
 
Còn dưới đây là bài viết của một cây bút mới Kiều Anh cho "Chuyện 2-6" nhân ngày lễ tình yêu Valentine:
 
Khóa tình bắc nhịp cầu yêu - 1
Cây cầu nhỏ với vô vàn ổ khóa tình yêu (ảnh: baomoi.com).
 

Thời tuổi trẻ của chúng tôi, những khái niệm về tình yêu thường gắn với những hình mẫu xuyên thế kỷ như: tình vợ chồng keo sơn gắn bó Cac Mac – Jenny, Lenin và vợ, mối tình anh Trỗi – chị Quyên… Cùng những vần thơ chứa chan lời hẹn ước thời chiến tranh được chép rất nhiều trong sổ tay lưu niệm: Dù ngày dài lê thê/ Dù mưa gió dầm dề/ Thì em ơi cứ đợi/ Vì anh đi quyết về….

 

Những kỷ vật tình yêu ngày ấy cũng vô cùng đơn giản nhưng vẫn ẩn chứa trọn vẹn sự tha thiết của  người ở lại dành cho người ra đi. Đó có thể là hình thêu đôi chim câu âu yếm chụm mỏ trên chiếc khăn tay nhỏ dúi cho chàng trước lúc tòng quân. Cũng có thể chỉ là nụ hoa hồng, hoa lan, hoa bưởi, chùm violet tim tím… ướp kín đáo trong cuốn sổ tay, chép lời nhắn gửi mong Hương thầm theo mãi bước người đi

 

Rất nhiều mối tình tuổi học trò, tuổi sinh viên… ngày ấy không dẫn đến cái kết có hậu, bởi biết bao chàng trai ưu tú của đất nước chúng ta đã ra đi không trở về …Tôi cũng ở trong số đó, dù chàng trai của tôi trở về, mang theo trên mình những vết thương.

 

Lý do ư? Khó nói lắm. Rất có thể đúng như vần thơ ai đó đã viết: Chỉ có một lần thôi/ Em hỏi anh im lặng/ Thế mà em hờn giận/ Để chúng mình xa nhau… Nơi tình yêu bắt đầu/ Cũng là nơi khó nhất/ Trái tim dù muốn nói/ Nhưng tình đời dễ đâu

 

Chàng cựu binh của tôi giờ đã là một doanh nhân thành đạt, yên ấm hạnh phúc bên vợ con và chúng tôi vẫn giữ được với nhau một tình bạn tốt. Đường đời trăm ngả, sau đó tôi cũng trải qua vài thất bại nữa trên tình trường. Nhưng từ tận đáy lòng, tôi vẫn ngàn lần nói câu "Cám ơn tình yêu!".  Bởi cuộc đời sẽ nhạt nhẽo biết bao nếu thiếu vắng tình yêu, hạnh phúc và cả những bất hạnh, đổ vỡ, hợp tan vốn luôn tạo nên xã hội đời thường ở bất kỳ đâu. Tôi cũng tin rằng hạnh phúc chỉ có thể có được khi ta biết sẻ chia, nâng niu và cả biết đứng lên sau mỗi lần vấp ngã hoặc thất bại.

 

Khá là muộn, khi khái  niệm về Valentin “du  nhập” vào Việt Nam đã lâu, tôi mới lần đầu được nghe kể lại “truyền thuyết” gắn với chiếc khóa tình yêu. Đó là trong chuyến du lịch balô lên đỉnh núi Nga My, Tứ Xuyên, Trung Quốc, cô bạn đồng nghiệp ở báo Phụ nữ Tp. Hồ Chí Minh cùng đi khoe vừa mục sở thị cây cầu tình yêu Milvio nổi tiếng ở Italia.

 

Đây là  nơi được nhà văn Italia Federico Moccia khi viết cuốn tiểu thuyết "Anh yêu em" năm 2006 đã chọn làm địa điểm lãng mạn, để cho cặp đôi nhân vật chính treo chiếc khóa biểu tượng tình yêu rồi vứt chìa xuống sông Tevere. Rất nhanh sau đó, trên cây cầu này đã xuất hiện hàng ngàn chiếc khóa tình yêu…

 

Sở dĩ chuyện khóa tình yêu được đề cập là do tôi nhận thấy trong đoàn người ngược núi  hành hương có rất nhiều đôi bạn trẻ. Ai cũng mang theo một chiếc khóa đính nơ hoặc hình trái tim màu đỏ, màu hồng, màu xanh… có ghi dòng chữ viết tên hai người yêu nhau. Họ thành kính  treo lên thành cầu  hoặc lên lan can những bậc thang dựng đứng dẫn lên ngôi chùa nghe nói có tiếng là linh thiêng trên đỉnh núi băng tuyết trắng xóa. Chìa khóa sau đó bị liệng xuống thung lũng sâu chi chít những cây tuyết tùng cao vút phía dưới, với lời nguyện cầu bằng rất nhiều thứ tiếng mong cho không ai tìm thấy chìa để tình yêu mãi mãi “bị giam” trong ổ khóa …

 

Trao đổi với bạn bè và độc giả từ cả trong và ngoài nước sau đó, tôi được biết biểu tượng khóa tình yêu giờ đã lan hầu khắp thế giới. Bên cạnh các thành phố lớn của Italia như Rome, Venice… đã xuất hiện thêm những “thiên đường khóa tình yêu” nổi tiếng khác ở các châu lục.

 

Tại châu Á, điển hình nhất có lẽ là chân tháp truyền hình Namsan tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Cảnh tượng hàng triệu chiếc khóa tình yêu chi chít trên lan can nơi đây tạo nên một nét văn hóa đặc trưng lãng mạn rất đặc sắc từ nhiều người dân thuộc nhiều lứa tuổi qua những thời kỳ. Ngoài ra, những lứa đôi yêu nhau xứ sở Kim chi còn chọn cách đôc đáo khác nữa là mua một ô gạch,  cùng viết hoặc dán tên rồi đem gắn lên bức tường Thông điệp tình yêu rộng hàng trăm mét vuông.
 
Khóa tình bắc nhịp cầu yêu - 2

Thiên đường "khóa tình yêu" ở Hàn Quốc (ảnh: thongtindulichvietnam.com).

Còn ở Việt Nam mình,  khóa tình nghe nói bắt đầu xuất hiện từ dịp Valentine năm ngoái trên cây cầu Long Biên lịch sử ở thủ đô Hà Nội và cây cầu dây văng Phú Mỹ biểu tượng của TP HCM. Việc này được nhiều  bạn trẻ coi là ý tưởng hay, nhưng cũng khiến những người  khác lo ngại làm ảnh hưởng tới hình ảnh và chất lượng cầu. Cũng có người cho rằng không nên cái gì của nước ngoài cũng bê nguyên xi vào nước mình như vậy…

 

Vâng, ai cũng có lý của mình và tôi cũng tin rằng tình yêu luôn có lý lẽ riêng. Chọn cách thể hiện thế nào là do tự con tim chúng ta mách bảo. Người thích gửi thông điệp qua hoa có thể chọn hoa hồng “hoàng hậu của các loài hoa”, hoặc cẩm chướng, lys, tulip, hoa lưu ly còn có tên khác đầy ý nghĩa “Forget me not” (Xin đừng quên tôi!), hoa bất tử hoặc một bó hoa đồng nội...

 

Người thích sự ngọt ngào có vô số lựa chọn từ các loại sôcôla sữa hoặc đắng, có nhân hoặc không nhân… Người thích hương thơm có các loại nước hoa, mỹ phẩm. Người thích tín vật thì đã có cả một thị trường hàng Valentine vô cùng đa dạng đáp ứng.  Hoặc độc đáo nhất là do tự mình tạo ra, tự mình mày mò tìm được. Phong phú lắm, có bao nhiêu cung bậc của tình yêu là bấy nhiêu cách thể hiện và đón nhận.

 

Tình yêu dẫu có trọn vẹn hay không, dẫu có là hạnh phúc hay không, mãi mãi vẫn là thứ gia vị tất yếu tạo nên sự ngọt ngào và lãng mạn cho cuộc sống. “Hãy tin ở hoa hồng!” bạn nhé!!!
 
 

 

Kiều Anh