Khi trời mưa to nhất

(Dân trí) - Dạo này chúng ta nghe nhiều về hậu quả do mưa gây ra. Lũ lụt. Nạn nhân lũ lụt (lũ trẻ). Ngập đường, lở đất, dịch bệnh.

 

Mưa có thể là kẻ thù, làm chúng ta khóc. Nhưng mưa cũng có thể là người bạn hiền, làm chúng ta khóc nhẹ, cười duyên. Có âm thanh nào dễ chịu hơn tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà vào một chiều Chủ Nhật sau một tuần ồn ào, nắng nóng? Các thợ xây để máy khoan, máy búa và máy cưa dưới tầng một, ngồi tầng hai chơi bài trong hình bóng giàn giáo, các quân bài rơi lộp độp trên sàn xi-măng…

 

Mưa là ngừng lại. Mưa là suy ngẫm, là thiền định. Việt Nam bây giờ rất cần những điều đó.

 

Mưa cũng là tình yêu. Ai từng hôn nhau trong mưa biết cảm giác mà ai chưa từng hôn trong mưa…không biết. Mưa vừa gieo mầm tình yêu mới, vừa xóa sạch tình yêu cũ. Mưa cũng là âm nhạc, là dàn nhạc trên trời, còn âm nhạc không thể thiếu mưa; tôi lên mạng phát hiện có ít nhất sáu bài hát Việt Nam tác giả đặt tên đơn giản là…“Mưa”

 

“Mưa rơi rơi trên đường phố đêm khuya…”(Tuấn Nghĩa)

“Mưa như xóa cho em tháng ngày u tối…”(Dũng Đà Lạt)

“Mưa rơi rơi trên đường, mưa rơi suốt canh trường…”(Văn Phụng)

“Mưa rơi cho anh nhớ em nhiều…”(Nguyễn Hồng Thuận)

“Mưa đầy trên mái lá, mưa đầy trong nỗi nhớ…”(Đặng Hữu Phúc)

“Giọt mưa thảng thốt rơi trên rêu phong …”(Hà Dũng)

 

Cũng có bài hát tên “mưa mưa”, thậm chí “mưa mưa mưa”.

 

Một trong những bài hát Việt Nam tôi thích nhất cũng bắt đầu với chữ “mưa” – “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” – không cần phải nói nhạc sĩ là ai. Hoặc bài hát “Để em mơ” của nhạc sĩ Nguyễn Cường có câu “Em thích mưa phùn bay bay bay bay Hồ Tây…”.Nghe Ngọc Khuê “bay bay bay bay”, tôi muốn bay theo. Trước đây khi tắm buổi sáng tôi hay hát mỗi đoạn “bay bay bay bay…Hồ Tây”, hát đi hát lại cho đến hết nước nóng.

 

Có lần tôi học thuộc bài “Mưa trên phố Huế” để nếu đi hát Karaoke cùng người lớn tuổi tôi sẽ không ngại tham gia. Tôi không biết vì sao tôi chọn bài đó. Chắc vì tên có từ “mưa” và từ “Huế”. Trong đời tôi hay thích những cái (những ai) buồn sâu sắc. Mưa là thời tiết buồn sâu sắc, còn Huế là thành phố buồn sâu sắc; tôi nhận ra ngay mặc dù chỉ đến Huế một lần.

 

Khi nghiên cứu viết bài này tôi đọc lại lời bài hát “Mưa trên phố Huế” đó. Giờ tôi hiểu tiếng Việt hơn; càng hiểu lời bài hát càng thấy phù hợp với tôi.

 

Chiều nay mưa trên phố Huế

Kiếp giang hồ không bến đợi

 

Tôi rất thích câu dưới. Bây giờ tôi thấy ‘‘ kiếp giang hồ’’ khắp nơi. Những người đi xe không dừng lại nhường đường khi có người già đi qua. Những người chửi nhau ngoài đường. Những người nói bậy nơi công cộng, cũng không quan tâm người xung quanh nghĩ gì. Tôi hay ngồi viết bài ở các quán cà-phê, ở đâu cũng nghe giọng đàn ông nói “mẹ mẹ mẹ mẹ”, tựa như một sự xuyên tạc của đoạn “bay bay bay bay” trên.

 

Điều buồn nhất là những “giang hồ” đó chủ yếu là người lớn, không phải người trẻ. Không ai bảo họ phải dừng lại ngường đường khi có người già qua đường, dù là ở đoạn đường nào? Người lớn tuổi là người đáng kính trọng, chứ không phải con chuột đáng chết. Điều làm tôi thắc mắc nhất là đa số người Việt Nam rất tốt với ông bà của mình, với các bác trong họ; tôi thực sự không hiểu vì sao có nhiều người không tốt chút nào với ông bà của người khác? Thế giới của họ dừng lại ở gia đình và bạn bè thân – người lạ nằm ngoài tầm nhìn, là không tồn tại?

 

Khi trời mưa to nhất - 1

Ở đâu là văn hóa ứng xử nơi công cộng?

 

Mà họ là ai? Họ không phải là bạn bè của tôi. Tôi thấy bạn bè của tôi tốt với cả người thân lẫn người lạ. Họ không phải là các bạn độc giả của Dân Trí, vì nếu đọc đến đoạn này có nghĩa là các bạn rất yêu cuộc sống văn minh, buồn như tôi, bức xúc như tôi. Họ là ai, đến từ đâu?

 

Tôi muốn trời mưa lâu, rất lâu, để mọi thứ chậm lại, để kiếp giang hồ không quay lại bến đợi. Để các thợ xây không khoan, không búa, không cưa, không nói tục ồn ào, mà tiếp tục ngồi chơi bài trong sự im lặng.

 

Và lúc trời mưa to nhất tôi muốn có người để hôn.

 

Joe