Khi rớt giá thì yêu cầu giải cứu, lúc giá cao thì giở võ găm hàng
(Dân trí) - Thế mà giờ đây, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, họ găm hàng tăng giá thì không biết sau vụ việc này, nếu thời điểm nào đó, heo lại rớt giá như trước đây, liệu họ có xứng đáng nhận được sự ủng hộ như đã từng nhận được hay không? Có lẽ, đã đến lúc cần tôn trọng tối đa qui luật thị trường: Lời ăn lỗ chịu?
Những ngày qua, giá thịt lợn (heo) tăng chóng mặt, gần gấp đôi giá bình thường và gấp ba lần thời điểm rớt giá.
Nguyên nhân chính khiến thịt heo tăng giá là do ảnh hưởng từ dịch tả Châu Phi.
Song, còn có những nguyên nhân khác không thể chấp nhận, đó là hiện tượng một số doanh nghiệp và thương lái găm hàng chờ tăng giá trong dịp tết.
Việc làm này là trái với chủ trương của Chính phủ về bình ổn giá cả thịt lợn và giá cả thị trường, nhất là trong những ngày sắp đến Tết Nguyên Đán Canh tý 2020.
Trên báo chí, một số chuyên gia kinh tế cho rằng thịt lợn tăng giá không chỉ làm cho bà con kinh doanh mặt hàng này gặp khó khăn mà còn ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cần phải vào cuộc, rà soát kiểm tra giá bán heo hơi của các công ty chăn nuôi lớn nếu phát hiện những hiện tượng này phải xử lý kiên quyết.
Theo báo Tuổi trẻ, Bộ Công Thương vừa có kế hoạch thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó, tập trung vào việc kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ.
Đây là việc làm kịp thời và cần thiết của Bộ Công Thương bởi việc găm hàng chờ tăng giá hiện nay không chỉ vi phạm chủ trương bình ổn giá của Chính phủ mà còn nhẫn tâm và bội bạc.
Nói nhẫn tâm bởi đành rằng kinh doanh thì phải có lãi, song lợi dụng thị trường gặp khó khăn để đẩy giá lên cao gây bất ổn nhằm móc túi đồng bào mình để kiếm lời một cách cao nhất là thiếu lương thiện.
Nói bội bạc bởi nhớ lại những thời điểm heo rớt giá, cả nước dấy lên phong trào giải cứu thịt heo. Nhiều gia đình dù không hào hứng vẫn mua thịt heo về sử dụng giúp bà con, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này.
Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản nhằm chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho họ.
Thế mà giờ đây, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, họ găm hàng tăng giá thì không biết sau vụ việc này, nếu thời điểm nào đó, heo lại rớt giá như trước đây, liệu họ có xứng đáng nhận được sự ủng hộ như đã từng nhận được hay không?
Có lẽ, đã đến lúc cần tôn trọng tối đa qui luật thị trường: Lời ăn lỗ chịu?
Bùi Hoàng Tám