Khi những người gây ra án oan còn tránh né việc xin lỗi...
(Dân trí) - Câu chuyện gần 100 người dân bức xúc tại một buổi tổ chức xin lỗi cho cặp vợ chồng bị oan sai ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cũng đáng để nhìn lại về công tác bồi thường, xin lỗi người dân bị oan.
Như Dân trí đã đưa tin trong bài báo: "Cả trăm người náo loạn tại buổi xin lỗi vợ chồng bị kết án oan", ngày 5/6, trong buổi lễ công khai xin lỗi một cặp vợ chồng bị kết án oan vì tội "lạm dụng, chiếm đoạt tài sản" của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông người dân ở xã Đắk Buk So thuộc huyện này gây náo loạn buổi xin lỗi do bức xúc vì cách tổ chức xin lỗi được cho là quá sơ sài.
Cụ thể, theo phản ánh của người dân và ghi nhận của phóng viên Dân trí hôm đó, 10 cán bộ gây ra oan sai đã không có mặt và sau khi ông Chánh án TAND huyện Tuy Đức, đại diện 3 cơ quan tiến hành tố tụng huyện Tuy Đức trình bày lời xin lỗi người bị oan thì đại diện cho người bị oan còn không được mời phát biểu. Sau đó, do sức ép của gia đình, ban tổ chức mới cho luật sư, đại diện của cặp vợ chồng bị oan phát biểu ý kiến.
Những người dân bị oan đã chịu rất nhiều thiệt hại về kinh tế trong thời gian họ bị tạm giam do không thể làm việc, có thu nhập. Và những tổn thất về tinh thần do bị mang tai tiếng, bị sức ép điều tra... là rất lớn. Cho dù họ đã được minh oan và sau đây ngoài việc được xin lỗi, họ còn được bồi thường về kinh tế, nhưng những tổn thất về tinh thần đó không dễ gì mà bù đắp được.
Cho nên, một buổi xin lỗi công khai mà không có thành ý, lại sơ sài chắc chắn sẽ khiến những người bị oan và cả hàng trăm người dân ở địa phương tham dự, chứng kiến buổi lễ đó khó có thể chấp nhận.
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước do Quốc hội ban hành năm 2017, tại điều 58 của luật về nội dung "Trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai" có khoản b ghi rõ: "Thành phần tham gia buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai bao gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan". Nghị định số 68/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật này ban hành năm 2018 cũng quy định rõ trong thành phần tham dự buổi lễ xin lỗi, cải chính cho người dân oan phải có đại diện của người bị hại phát biểu ý kiến.
Như vậy, những sự bức xúc của người dân địa phương hôm đó là có cơ sở và ban tổ chức buổi công bố xin lỗi, cải chính cho người dân bị oan đã làm chưa đầy đủ, chưa đúng với quy định của Luật và văn bản hướng dẫn. Nhưng họ lại chỉ giải thích là do đã gửi giấy mời nhưng cả 10 cán bộ gây oan sai và 2 người tố cáo sai đã không đến.
Gây oan sai cho người vô tội nhưng đã không dám đối mặt với người bị oan sai, tránh né việc xin lỗi, đối với người dân, là điều không chấp nhận được. Người dân sẽ không còn tin tưởng rằng những người gây ra oan sai đó sẽ hối cải, tu dưỡng đạo đức, nghiệp vụ để sau này làm việc nghiêm túc, không gây ra những án oan nữa.
Chính vì điều này, các cơ quan, đơn vị nơi có những cán bộ gây ra oan sai cần phải có biện pháp bắt buộc những cán bộ, nhân viên gây ra oan sai, ngoài việc phải bồi thường theo đúng quy định, bị xử lý kỷ luật đúng mực, còn phải trực tiếp xin lỗi, nhận lỗi với dân. Nếu không, những buổi lễ "xin lỗi" thế này vẫn chỉ là hình thức và không tạo niềm tin cho người dân vào công lý.
Mạnh Quân