Khi luật sư tố giác thân chủ, pháp luật sẽ đi về đâu?
(Dân trí) - Tuần qua, Quốc hội thảo luận về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), một vấn đề được đưa ra tranh luận sôi nổi: Luật sư có nên tố giác thân chủ của mình khi cho rằng, thân chủ của mình có tội?
Cách đây hơn 10 năm, có một vụ án xảy ra ở một địa phương khiến người viết bài này cứ nghĩ và nhớ mãi. Đó là vụ việc một người phụ nữ bị truy tố ra toà và cáo trạng buộc tội cô này sau khi đã bỏ chồng một thời gian, để được tự do hơn đi lấy chồng khác đã nhẫn tâm đẩy cả 2 người con còn bé dại của mình xuống sông. Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo này (được chỉ định) đã khóc, từ chối bào chữa và nói rằng, không thể nào bào chữa cho một tội ác kinh khủng như vậy.
Mặc dù khi đó, báo chí đã đăng khá nhiều về vụ án này và nhiều lời khen cho vị luật sư kia, nhưng tôi cứ thấy lăn tăn: Tội ác đó nếu thật thì thực sự rất khủng khiếp. Nhưng nếu như người phụ nữ kia bị oan thì sao và luật sư, lẽ ra phải có trách nhiệm đến cùng với công việc của mình chứ và chỉ có như vậy mới có thể giúp tránh oan sai và thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ tận cùng của một luật sư.
Cho đến nay thì tôi vẫn nghĩ như vậy. Khi một luật sư ký hợp đồng để bào chữa cho thân chủ- khách hàng của mình thì phải có nghĩa vụ trung thành tuyệt đối, không thể và không nên làm bất cứ điều gì bất lợi cho thân chủ của mình. Những luật sư có trách nhiệm nhất sẽ luôn cố gắng tối đa tìm kiếm các chứng cớ, tình tiết để giảm thấp nhất trách nhiệm pháp lý cho thân chủ của họ.
Trên thực tế, tôi biết, cũng có không ít luật sư hiểu rằng, thân chủ của mình quả thực phạm tội. Thậm chí có những vụ việc, có người còn biết mức độ phạm tội của người mà họ nhận bào chữa còn nghiêm trọng hơn cáo trạng của Viện Kiểm sát. Nhưng gần như tuyệt đại đa số đều không tố giác, nói ra những tình tiết, chứng cớ nào tại phiên toà, kể cả những tình tiết khách quan mà điều đó có thể gây bất lợi cho thân chủ của họ.
Và tôi nghĩ rằng, đó chính là nghề của luật sư và không ai buộc họ phải có nghĩa vụ đưa ra sự thật một cách tích cực đến mức gây bất lợi cho thân chủ của mình.
Trong nhiều năm qua, các vụ án oan sai ở Việt Nam là rất nhiều. Có những vụ tội ác rất nghiêm trọng: giết người, hiếp dâm... Nếu như các luật sư dễ dàng tin vào cáo trạng và lời khai kể cả của các bị cáo- thân chủ của họ mà không có những nỗ lực điều tra, tìm hiểu riêng thì sẽ có rất nhiều vụ mãi mãi là oan sai.
Nhưng rất may, giới luật sư Việt Nam có nhiều người đã đi đến cùng sự thật, bảo vệ thân chủ của họ và cuối cùng giúp thân chủ của họ được trả lại tự do và được bồi thường như các công dân: Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Bùi Minh Hải (Đồng Nai)...
Ngày nay, nguyên tắc suy đoán vô tội ngày được coi trọng hơn trong công tác điều tra, xét xử. Tất cả các bị can, bị cáo đều chỉ bị coi là có tội hay không sau khi Toà án chứng minh có tội với đầy đủ chứng cớ được xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan. Luật sư hơn ai hết, càng phải tin rằng thân chủ của mình là vô tội để thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đến cùng với thân chủ của mình. Luật sư cũng chỉ là một bên tham gia trong quá trình tố tụng thì không thể nào tự cho mình biết rõ và có đủ chứng cứ để khẳng định rằng thân chủ của mình phạm tội để mà tố cáo với cơ quan chức năng.
Hơn nữa, về mặt nghề nghiệp, giữa luật sư và thân chủ của họ là quan hệ uỷ quyền, tin cậy, phải có niềm tin ở thân chủ và nếu luật sư lại đi tố giác, phản bội thân chủ thì đó không còn là luật sư nữa.
Thậm chí, có những luật sư sau khi kết thúc hợp đồng, dù họ biết khách hàng của mình phạm tội thì cũng không tố giác người mà họ đã từng thuê mình bảo vệ. Và đó là mới là thiên chức của nghề luật sư.
Mạnh Quân