Khách du lịch quốc tế có quay trở lại?

(Dân trí) - Tài nguyên và sản phẩm du lịch của một quốc gia không chỉ là thắng cảnh, khí hậu, ẩm thực, mà còn là con người. Một nụ cười thân thiện, một lời cảm ơn, xin lỗi, một cử chỉ giúp đỡ du khách đều có giá trị như một cảnh đẹp hoặc một di tích…

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
 
Báo chí vừa đưa tin ông Jorenson (49 tuổi, quốc tịch Úc), đi taxi từ bến tàu cánh ngầm  đến sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 7 km, bị tài xế “chém” 6 triệu đồng. Biết bị bắt chẹt, nhưng do vội làm thủ tục bay nên ông Jorenson đành vét hết khoảng 2 triệu đồng tiền VN và 100 đôla Úc (khoảng 2,1 triệu đồng tiền VN) đưa cho tài xế taxi.

Taxi chặt chém khách nước ngoài trở thành một tệ nạn, trường hợp nào nạn nhân báo công an thì mới biết. Ngày 25.6 vừa qua, hai du khách người Tây Ban Nha là Jose Angel Matas và Raquel Rvis đón taxi ở khu vực chợ Bến Thành đi đến chợ Nguyễn Thái Bình, khoảng cách gần 1km nhưng phải trả số tiền 400.000 đồng. Trước đó, hai du khách Malaysia cũng đã bị 1 tài xế taxi nhái Mai Linh ép buộc trả giá đến 4.000.000 đồng và 300 Ringit cho chặng đường xuất phát từ chợ Bến Thành đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Ở Hà Nội, vụ tồi tệ nhất là hai vị khách đến dự Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 đi taxi của hãng Phú Gia từ phố Phan Bội Châu đến về Trung tâm hội nghị quốc gia - Mỹ Đình với quãng đường hơn 10 cây số, tài xế bắt phải trả 200 USD, 100 đôla Singapore (tổng cộng gần 6 triệu đồng). Hai vị khách khi xuống xe để quên điện thoại Iphone 4 cũng bị lái xe cuỗm luôn.

Khách nước ngoài còn bị chặt chém tại các hàng quán, dịch vụ ăn uống khác. Có người phản đối không chịu trả còn bị hành hung. Họ quá sợ hãi đến nỗi thề không bao giờ quay trở lại Việt Nam nữa.

Tại các diễn đàn hội thảo về du lịch, vấn đề lớn nhất đặt ra là làm sao thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều. Tuy nhiên, làm thế nào để khách quay trở lại lần thứ hai, thứ ba và làm thế nào để mỗi vị khách quốc tế là một người giới thiệu về du lịch Việt Nam cho bạn bè, người thân của họ lại là câu chuyện chưa bàn thật thấu đáo. Nếu họ đến Việt Nam mà thất kinh vì rác rưởi, ô nhiễm và vì thái độ ứng xử thiếu văn hóa của người dân địa phương thì họ sẽ không đến lần thứ hai. Và chắc chắn, họ sẽ nói những điều tệ hại đó cho những người khác.

Tài nguyên và sản phẩm du lịch của một quốc gia không chỉ là thắng cảnh, khí hậu, ẩm thực, mà còn là con người. Một nụ cười thân thiện, một lời cảm ơn, xin lỗi, một cử chỉ giúp đỡ du khách đều có giá trị như một cảnh đẹp của thiên nhiên hoặc giá trị lịch sử của một di tích. Chúng ta đã thiếu những sản phẩm không mất tiền đầu tư đó cho nên du lịch Việt Nam còn lâu mới bằng thiên hạ.

Những hạn chế đó xuất phát từ giáo dục. Giáo dục chưa tốt nên dân trí thấp. Dân trí thấp thì hành vi ứng xử thiếu văn minh. Trong lúc chờ đợi sự cải thiện từ giáo dục xa vời, thì mỗi bạn trẻ cố gắng nhận thức cao hơn về hình ảnh quốc gia, niềm tự hào dân tộc và biến nó thành những hành vi tích cực trong cuộc sống. Sẵn sàng giúp đỡ du khách qua đường hay hướng dẫn họ khi họ có yêu cầu, nói với họ lời tốt đẹp hay nở một nụ cười thân thiện nếu có cơ hội.

Niềm tự hào về đất nước không phải chỉ bằng nhận thức mà bằng hành động. Và đừng quên, ứng xử với du khách nước ngoài cũng là một hành động không thể xem thường. Phải  không thưa các bạn?

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!