“Hình nhân…thế mạng”

(Dân trí) - Sau HLV Falko Goetz, phải chăng đến lượt Hội đồng HLVQG trở thành “hình nhân thế mạng”? TTK Trần Quốc Tuấn có còn xứng đáng “tại vị”? VFF có thực sự là tổ chức hoạt động chuyên nghiệp như lời họ nói? Đó là những câu hỏi chưa có câu trả lời…

“Hình nhân…thế mạng” - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

“Với bóng đá Việt Nam, người muốn từ chức có thể khiến người không muốn từ chức mất ghế”, đó là câu bình luận trên bản tin 24/7 xung quanh việc TTK Trần Quốc Tuấn tại vị còn ông Falko Goetz đứng trước nguy cơ “đứng đường”, sự kiện đang gây bức xúc trong dư luận.

Đội U23 Việt Nam vừa trải qua kỳ SEA Games đáng xấu hổ nhất kể từ năm 1995. Trong bức tranh xám xịt chứa đựng nỗi hổ thẹn khó diễn tả bằng lời ấy, chắc chắn có phần trách nhiệm lớn của “thuyền trưởng” Falko Goetz và vị Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn.

Việc cựu HLV của Hertha Berlin sớm “đứt gánh” chẳng sốc đối với giới chuyên môn và người hâm mộ bởi nó từng được dự đoán sau thất bại ê chề 1-4 ở trận tranh HCĐ gặp Myanmar. Khi đó, ông thầy người Đức thể hiện rõ những hạn chế trong khả năng phán đoán thế trận lẫn việc sử dụng nhân sự. Điểm gây “sốc” nhất ở đây là nằm ở cách hành xử thiếu nhất quán
 của một số quan chức VFF.

Ngày 28/11, Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn và HLV Falko Goetz được kết luận không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của U23 Việt Nam. “Vật tế thần” được mang ra che chắn cho phần trách nhiệm cá nhân khi đó được lấy từ những hạn chế chung của bóng đá Việt Nam dù họ cố tình “quên” rằng những mảng tối nhức nhối đó cũng do chính VFF chịu trách nhiệm tổ chức và ông TTK Tuấn là người chịu trách nhiệm điều hành.

Điều ngạc nhiên là khi đó, chính lãnh đạo VFF đã lên tiếng đảm bảo tương lai cho “thuyền trưởng” Falko Goetz. Nhưng chỉ sau đó hơn 10 ngày, cũng chính những con người từng tuyên bố hùng hồn đó lại chẳng ngần ngại giẫm đạp lên uy tín và danh dự lời nói của chính mình trong buổi họp bất thường BCH VFF khóa VI. Để “cứu vãn” sự nghiệp của TTK Trần Quốc Tuấn, họ đổ dồn trách nhiệm thất bại về phía ông Falko Goetz.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo VFF nhiều lần nói đến những “công lao to lớn” mà ông Tuấn “tổng” đã làm cho bóng đá Việt Nam nhưng tiếc thay, nó chẳng đủ giúp người hâm mộ xua tan được cảm giác thất vọng trước thực tế VFF đang luồn lách, tìm cách “che chắn” như nhận xét của PCT HĐ HLV QG Lê Thế Thọ. Phải chăng HLV Falko Goetz bị sa thải để “thế mạng” giúp người trực tiếp đặt bút ký hợp đồng cho ông là TTK Trần Quốc Tuấn tiếp tục công việc?

Sau khi biến HLV Falko Goetz thành “hình nhân thế mạng”, nay lãnh đạo VFF còn muốn chuyền “quả bóng” trách nhiệm khi đẩy việc sa thải ông thầy người Đức sang cho Hội đồng HLV QG. Nếu được thông qua, bộ phận chưa bao giờ nhận được sự tôn trọng cần thiết từ VFF này sẽ lại đóng vai trò “thế mạng” giúp VFF giảm bớt được đáng kể sức ép do cách hành xử thiếu chuyên nghiệp đối với HLV Falko Goetz.

“Con tốt đen” Falko Goetz phải ra đi vì bị cho là yếu kém chuyên môn, đó là kết cục tất yếu ông thầy người Đức phải trả giá cho chuỗi sai lầm. Tuy nhiên, hãy thử lật ngược lại câu hỏi: Liệu TTK – Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn có vô can? Ông có xứng đáng ngồi lại ở chiếc ghế điều hành hoạt động của  bóng đá Việt Nam hay không và trong 6 năm ngồi ghế TTK VFF, ông Trần Quốc Tuấn, người 3 lần giữ vị trí Trưởng đoàn ở SEA Games 24, 25 và 26 đã làm được những gì? Phải nói thẳng là kết quả đội U23 Việt Nam gặt hái được rất đáng thất vọng khi U23 Việt Nam để thua một cách đáng ngờ trước Malaysia trong trận Chung kết tại Vientiane - Lào (2009), 2 kỳ đại hội còn lại đều là những thất bại tủi nhục khó lòng nuốt trôi. Khi làm Trưởng đoàn ở cấp ĐTQG, ĐT Việt Nam dừng bước ngay vòng Bán kết tại AFF Cup 2010, với thất bại xấu hổ trước “đàn em” Philippines. Nhìn lại những giải quốc nội do VFF tổ chức, nơi TTK Tuấn giữ vai trò điều hành cũng chỉ là gam màu xám nhiều hơn sáng. Minh chứng gần nhất nằm ở mùa giải 2011 với vô số những biểu hiện tiêu cực, cùng ung nhọt liên quan đến công tác trọng tài khiến dư luận bức xúc.

Qua những thống kê ở trên, chắc người hâm mộ đã tìm ra đáp án cho câu hỏi: Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn có còn xứng đáng “tại vị”? VFF có thực sự là tổ chức hoạt động chuyên nghiệp như lời họ nói? Phải chăng HLV Falko Goetz chỉ là “hình nhân” được đem ra “thế mạng” cho những yếu kém của lãnh đạo VFF mà người đứng đầu là ông TTK Trần Quốc Tuấn?...

Khi dư luận đang sôi sục trước “vở kịch” do VFF tự viết và tự diễn, Phó Chủ tịch lâm thời Hội CĐV Việt Nam, anh Trần Song Hải chỉ có một điều ước giản dị nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa:  “Nếu có ông già Noel và nếu có sự linh thiêng trong đêm này thì tôi chỉ xin ông cho tôi một chai rượu đầy ắp lòng tự trọng và tôi sẽ rót mời các thành viên VFF mỗi người một ly trước năm mới”. Lòng tự trọng, đó là thứ có lẽ vẫn còn thiếu ở VFF.

Ngọc Cương