Hãy nói hết ra cho lòng thanh thản, chả tội gì, các bác ạ!

(Dân trí) - Có hai sự kiện đang rúng động dư luận xã hội nhiều ngày qua, đó là vụ Fomorsa ở Hà Tĩnh và xung quanh vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang. Và cũng có hai câu hỏi “gay cấn” nhất được đặt ra, song đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có câu trả lời ngã ngũ.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Câu thứ nhất là việc chấp thuận cho Fomorsa đầu tư, xả thải và câu thứ hai là con đường danh vọng “kỳ ảo” của ông Trịnh Xuân Thanh cũng như những phần thưởng danh giá mà Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) được nhận trong 3 năm liên tiếp.

Những câu hỏi này liên quan đến hàng loạt các vị cán bộ cấp cao cả về hưu và đương nhiệm

Ở vụ việc thứ nhất liên quan đến Fomorsa, nguyên Bí thư Cự sau nhiều ngày im lặng, trước sự yêu cầu gay gắt của cử tri và đề nghị nghiêm khắc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Cự đã lên tiếng. Và tất nhiên, ông Cự sau một hồi “thanh minh, thanh nga” đã nói một câu rất “đúng qui trình” là đã làm… “đúng qui trình”. Ông Cự còn cho biết, đã có sự đồng ý của 12 bộ, ngành.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thì khá kín tiếng. Hình như ông chỉ trả lời một hai lần gì đó nội dung đại để việc thẩm định hồ sơ Formosa năm 2008 thuộc trách nhiệm của ông Bùi Cách Tuyến - cựu Thứ trưởng phụ trách Tổng cục Môi trường lúc bấy giờ, vì ông đã uỷ quyền cho ông Tuyến phụ trách vấn đề này.

Tâm trạng của Nguyên Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, người trực tiếp ký và được cho là phải chịu toàn bộ trách nhiệm liên quan tới việc cho Formosa xả thải ra biển được báo Lao động ngày 1/8 (bài “Vụ Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung: Trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang ở đâu?”) viết:

“Là tiến sĩ ngành quản lý môi trường, ông Tuyến cho rằng mình hiểu rõ hoàn cảnh đất nước thời điểm đó cần đầu tư tới mức nào cũng như những tác hại môi trường kèm theo khi chấp nhận các dự án như Formosa. Ông chia sẻ là người nắm “chuyên môn rất rõ nên khi nói rõ ra sẽ làm mất mặt người này, người kia”.

Ông Tuyến cũng khẳng định “có nhiều chuyện tôi nói nhưng anh Quang đâu có nghe”. “Mình chuyên môn về lĩnh vực môi trường, mình khuyên nhưng họ không nghe thì làm gì nào?”. Ông cũng thừa nhận có nhiều chuyện khó nói cũng như “có những nhóm lợi ích ghê gớm và tôi chỉ là thầy giáo đại học không dính tới những nhóm lợi ích ghê gớm đó”…

Nếu những gì ông Tuyến nói với báo Lao động là đúng thì quả là… “ghê gớm”.

Ở vụ việc thứ hai, xung quanh ông Trịnh Xuân Thanh, tương tự như nguyên Bộ trưởng Quang, nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khá kín tiếng. Hình như ông cũng chỉ trả lời một hai lần gì đó chủ yếu liên quan đến việc bổ nhiệm con trai ông là Vũ Quang Hải và tất nhiên, vụ việc này theo ông Hoàng là cũng “đúng qui trình”.

Còn tại Hậu Giang, trả lời phỏng vấn VOV ngày 29/7, bài “Nguyên Bí thư Hậu Giang muốn làm rõ ông Trịnh Xuân Thanh đã "chạy" ai?”, ông Huỳnh Minh Chắc bày tỏ một chút sự “hoài nghi”. Ông Chắc nói rằng việc bổ nhiệm ông Thanh “có cái gì đó mập mờ, không rõ”. “Khi phóng viên hỏi “ông thấy “mập mờ”, “không rõ” ở vấn đề nào, trong những văn bản nào?”, ông Chắc nêu ra một loạt các dẫn chứng, từ việc ba lần trong 2 năm 2011, 2012 đã gửi 3 Công văn ra Bộ Nội vụ và Chính phủ xin người nhưng cả 3 văn bản này đều không có hồi âm.

“Rồi sau khi xin đích danh ông Trịnh Xuân Thanh thì ngày 14/1/2014, Ban Tổ chức Trung ương trả lời bằng Công văn số 6119, sau đó là Công văn số 6149. Hai văn bản này có một điểm tôi hơi băn khoăn. Giữa công văn 6119 và 6149 chỉ cách nhau mấy ngày, nhưng nơi gửi có thay đổi. Văn bản thứ 2 không gửi đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Vì sao có sự thay đổi này?”. Bài trên VOV viết.

Khác nhiều so với trả lời báo chí thời điểm đầu (khi đó Bí thư Trần Công Chánh cho rằng việc biến xe tư thành xe công là chuyện nhỏ “không có gì mà ầm ĩ lên”), gần đây trả lời báo chí, Bí thư Trần Công Chánh tỏ ra áy náy và tự nhận thấy mình “đau xót” và “xấu hổ”.

Riêng Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, bà Trần Thị Hà, một trong số những tác giả chính của việc đề nghị tặng Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho… sau trả lời hùng hồn “rất thỏa đáng và đầy đủ” thì từ đó đến nay, hình như bà Hà vẫn im lặng “một cách khó hiểu”.

Đọc trả lời phỏng vấn của các vị trên, cảm giác trong tâm tư họ chứa nhiều “trắc ẩn” với những băn khoăn, khó nói. Vì sao có tâm trạng này? Có lẽ có nhiều nguyên nhân, ví như “khi nói rõ ra sẽ làm mất mặt người này, người kia”, “có những nhóm lợi ích ghê gớm” của nguyên Thứ trưởng Tuyến hay những câu hỏi đầy nghi vấn nhiều “vì sao” của nguyên Bí thư Chắc…

Tuy nhiên giờ đây, dù có “làm mất mặt” ai đó thì cũng không thể im lặng bởi bằng quyết tâm của Đảng, Nhà nước mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự việc chắc chắn sẽ được làm rõ ràng, sáng tỏ. Tổ chức, cá nhân có vi phạm không? Nếu có thì vi phạm đến đâu sẽ phải chịu trách nhiệm đến đó.

Thế nên có lẽ cách tốt nhất là các bác ấy nên nói thẳng, nói thật, nói hết với Đảng, Nhà nước và công khai với báo chí, với dân dể “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.

Làm như vậy, sẽ không chỉ có lợi cho việc xác minh, tìm hiểu mà còn để trong lòng thanh thản, bớt đi những cấn cá… nhất là với các bác đã nghỉ hưu.

Người xưa có câu: “Há miệng, mắc quai”. Nếu như mình vô tư, trung thực, trong sáng, không “mắc quai” thì sá gì mà không “há miệng”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám