Giải cứu ra sao những thân phận “chông chênh” thời dịch bệnh
(Dân trí) - Người viết với kiến thức và tầm nhìn hạn hẹp, thực sự kỳ vọng các chuyên gia, các cơ quan tham vấn chính sách hơn lúc nào hết đồng hành cùng Chính phủ để đưa ra được các quyết sách kinh tế đúng đắn.
Sáng ngày 13/4, một số tờ báo đăng tải hình ảnh một người nước ngoài đứng ở góc đường Võ Văn Kiệt - Nguyễn Tri Phương (Quận 5, TPHCM) với tấm biển “Không có công việc, giúp tiền mua thức ăn. Cảm ơn!”. Khi biết, người đàn ông ấy là một giáo viên Anh ngữ, gắn bó với Việt Nam nhiều năm qua, nhiều người đã không khỏi thương cảm, xót xa.
“Tôi chỉ mới nảy ra ý nghĩ này vào cuối tuần trước khi tiền tiết kiệm đã cạn (…) Lý do duy nhất khiến tôi làm được việc này là vì tôi đeo khẩu trang. Mọi người không nhận ra tôi là ai. Thật sự, tôi rất xấu hổ nhưng tôi không còn biết phải làm gì. Tôi phải sống” - người đàn ông có tên viết tắt là J.D trả lời phóng viên khi được hỏi về việc ra đường xin tiền.
Ông J.D là một trong rất nhiều giáo viên nước ngoài dạy tại các trung tâm giáo dục tư thục bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 kéo dài. Hàng tháng trời không có việc làm, ông J. hẳn đã phải bế tắc đến cùng cực mới có thể bỏ hết sĩ diện sang một bên để “sống” bằng cách cầu xin sự thương xót của người qua đường.
Rất cảm động là sau khi thông tin về người thầy giáo ngoại quốc được đăng tải trên báo chí và mạng xã hội thì ông đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, hỏi thăm của những người hảo tâm. Thậm chí có người đã hào phóng mở lời sẵn sàng cưu mang, giúp thầy J. vượt qua khó khăn, hỗ trợ tiền nhà hoặc huy động quyên góp mua vé cho ông nếu ông muốn trở về Anh.
Chỉ trong chưa tới 1 ngày, người thầy giáo này đã có được cơ hội việc làm trở lại và nhận được một khoản tiền để trang trải cuộc sống. Bày tỏ sự cảm kích với người dân Việt Nam, ông J. rất ý nhị khi từ chối tiếp tục tiếp nhận sự giúp đỡ mà muốn để dành cho những trường hợp khó khăn hơn.
Mừng cho người thầy giáo già, xúc động với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cảm phục với sự tử tế của người dân TPHCM không chỉ với đồng bào mình, người viết cũng trào dâng nỗi xót xa cho những mảnh đời, những phận người trong xã hội đang phải trải qua cảnh sống khó khăn thời đại dịch này.
Ấy là tình trạng sống qua ngày, phải kiếm ăn từng bữa, biết hôm nay không biết ngày mai sẽ ra sao. Với những trí thức không có việc làm, càng là một trạng thái sống vất vả nhưng vẫn phải cố níu giữ lấy phẩm hạnh của mình.
Trong hơn hai tháng qua, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, biết bao doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã phải tạm thời đóng cửa và cắt giảm lao động, ngay cả những công việc lao động phổ thông cũng không hề sẵn có. Nhiều gia đình phải đối mặt gánh nặng chi trả cuộc sống với tiền thuê nhà, tiền trả nợ, tiền sinh hoạt phí…
Các chính sách về hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, hỗ trợ các đối tượng doanh nghiệp vượt qua khó khăn… đang được người dân cả nước chờ đợi và mong ngóng. “Bao giờ thì tiền hỗ trợ được giải ngân?” là câu hỏi đầy khắc khoải được nhiều người gửi tới Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Trả lời trên VTV1 sáng ngày 14.4, Bộ trưởng Dung cho biết đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để người thuộc đối tượng được thụ hưởng sớm nhất có thể.
Hiện nay, một số nơi áp dụng sáng kiến máy tự động phát gạo miễn phí cho người dân (AMT gạo) - một giải pháp rất cần nhân rộng. Những điểm bán cơm giá rẻ cho với số tiền mang tính tượng trưng cũng là điểm tựa mà nhiều người nghèo đang “bấu víu”… Thế nhưng, đây vẫn chỉ là những giải pháp tình thế, mang tính tự phát trong dân chúng mà thôi.
Nền kinh tế cần những giải pháp mang tính tổng thể hơn, để duy trì sản xuất và để người dân sống được. Dù gì, “tay làm, hàm nhai” vẫn cần thiết hơn cả..
Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright - một chuyên gia nổi tiếng, nêu quan điểm: “không nên tiếc một vài điểm % tăng trưởng GDP mà xem nhẹ hay chấm dứt các biện pháp chống dịch quá sớm, có thể sẽ phải trả giá đắt” thế nhưng ông cũng nhấn mạnh, việc ứng phó của Nhà nước không nên can thiệp đại trà và quá đà mà phải xác lập ưu tiên, chọn lọc với từng ngành nghề, lĩnh vực kinh tế.
Theo đó, các chính sách đưa ra phải đảm bảo ba nguyên tắc: can thiệp có mục tiêu, kịp thời và có thời hiệu rõ ràng.
Người viết với kiến thức và tầm nhìn hạn hẹp, thực sự kỳ vọng các chuyên gia, các cơ quan tham vấn chính sách hơn lúc nào hết đồng hành cùng Chính phủ để đưa ra được các quyết sách kinh tế đúng đắn. Vẫn còn nhiều lắm những người cần việc làm và cần hỗ trợ!
Bích Diệp