“Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”
(Dân trí) - “Trên người tôi, từ trong ra ngoài toàn hàng hiệu”. Đó là câu nói “nổi tiếng” của người đẹp Vũ Hạnh Nguyên. Nhưng ấn tượng và ra vẻ “lập ngôn” hơn là câu “Người phụ nữ không dùng hàng hiệu xem như không có tương lai” của cựu người mẫu Xuân Lan.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Dù tên tuổi hay đẳng cấp trong giới người mẫu có khác nhau, nhưng ít nhiều họ cũng là người của công chúng, cho nên phát ngôn của họ cũng ảnh hưởng ít nhiều. Gần đây, các người đẹp và nghệ sĩ trong giới giải trí có những câu nói gây choáng váng dư luận và câu nói vừa trích trên là một ví dụ. Chẳng cần trách chi lời nói của những người này, (hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp), nhưng từ đây, xin đề cập đến chuyện khác.
Một đất nước mà giới trẻ chạy theo những giấc mơ phù phiếm, lấy áo quần trang sức làm giá trị thì sẽ không có nội lực văn hoá và sức mạnh trí tuệ. Điều này biểu hiện khá rõ nét trong xã hội hiện nay. Phong trào sử dụng hàng hiệu rộ lên như một làn sóng và nó trở thành sự khẳng định giá trị cho con người tự khi nào không biết. Một số ca sĩ nổi tiếng trong giới ca hát thị trường khoe khoang áo quần hàng hiệu, thế là các fan hâm mộ bắt chước để giống thần tượng của mình. Sự lây lan của thị hiếu hàng hiệu không chỉ trong giới trẻ, mà cả những người đứng tuổi, các bà các cô ra đường rất muốn mang một giỏ xách LV hay Gucci để chứng minh bản thân là người sành điệu. Vì vậy, câu nói của cựu người mẫu trên không có gì lạ, bởi vì nó đại diện cho một số người có nhận thức tương tự.
Nhưng giá trị thật của con người lẽ đương nhiên không phải là áo quần. Thứ trang sức lộng lẫy nhất chính là trí tuệ, con người có sức quyến rũ nhất là con người có kiến thức và phẩm giá, có tâm hồn trong sáng và yêu thương tha nhân. Những cô đào Holywood nổi tiếng ăn chơi xa hoa chỉ để người ta tò mò tán gẫu, nhưng người mà nhân loại ghi nhớ với sự tôn vinh, kính trọng lại là mẹ Têrêsa và công nương Diana. Khi họ mất, cả thế giới tiếc thương bằng cả tấm lòng.
Mới đây, trên một kênh truyền hình quảng cáo một bộ phim với bài hát có lời: “Tôi là ca sĩ, tôi là người mẫu. Đó là giấc mơ tuổi 20”. Rồi giới giải trí thiết kế nhiều chương trình cặp đôi hay bước nhảy gì gì đó, đánh bóng các người đẹp, nghệ sĩ quá mức. Giới doanh nhân tài trợ hào phóng cho các chương trình này hơn là trao học bổng cho sinh viên thủ khoa hoặc các em đoạt huy chương ở các kỳ thi Olympic. Thật đáng lo ngại khi không chỉ một bộ phận trong giới trẻ có nhận thức lệch lạc về giá trị, mà ngay cả người trưởng thành, có tác động vào xã hội đôi khi cũng chưa định hướng được cho lớp trẻ.
Tương lai ở đâu khi suốt ngày chỉ lo “Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng – Nguyễn Bính” mà không chịu học hành, nâng cao kiến thức và rèn luỵên nhân cách. Tương lai của đất nước về đâu khi thế hệ trẻ xem áo quần trang sức là giá trị.
Các bạn trẻ hãy nhìn xem, Việt Nam nhập siêu hàng đầu thế giới, không sản xuất ra thiết bị công nghệ mà phải nhập từ các nước. Nhiều ngành công nghiệp và công nghệ của Việt Nam phải thuê chuyên gia nước ngoài làm việc và trả lương cao vì trong nước không có đủ người đảm trách. Đấu tranh giành chủ quyền biển đảo đang thiếu các nhà khoa học về lịch sử, công pháp quốc tế và các chuyên gia đủ sức tranh tụng quốc tế.
Áo quần, đồng hồ, giỏ xách hàng hiệu có làm giàu cho đất nước không hay làm giàu cho các nước sản xuất ra các thứ đó. Tiếng gọi của thời đại hôm nay là tiếng gọi của sức mạnh tri thức, không phải cổ xuý cho lối sống xa hoa và vô trách nhiệm với xã hội.
Chợt nhớ nóng bỏng câu thơ của Chế Lan Viên: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp - Giấc mơ con đè nát cuộc đời con - Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp - Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”.
Tôi không tin các bạn trẻ hôm nay có suy nghĩ và lối sống như vậy.
Lê Chân Nhân