Đừng để “cơ đồ đắm biển sâu”!

(Dân trí) - Làm ăn với bất cứ quốc gia nào cũng có cái khó riêng nhưng có lẽ làm ăn với thương lái Trung Quốc là khó nhất. Không chỉ tinh ranh, họ còn có nhiều điều khuất tất đến khó hiểu. Chỉ cần lơ là cảnh giác là dẫn đến “cơ đồ đắm biển sâu” ngay.

  

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)   Nói về những thủ đoạn kinh doanh của thương lái Trung Quốc thì cả ngày không hết. Từ việc họ thu gom móng trâu bò của đồng bào dân tộc, tận thu gốc rễ, gốc cây tiêu ở Tây Nguyên, thu mua hạt chè ở Thái Nguyên cho đến việc lừa đảo mặt hàng hải sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long, hoa hồng ở Đà Lạt… Gần đây nhất, thương lái trung Quốc lại tìm mua rễ cây rừng ở xã Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Những việc làm khuất tất của họ khiến nông dân Việt Nam nhiều phen điêu đứng. Thế nhưng bằng các chiêu lừa ngoạn mục, vẫn rất nhiều người bị mắc lừa.
Cách đây chưa lâu, một thương lái Trung Quốc đã đến làm việc với Công ty Cá sấu Việt Nam. Trong lúc kinh tế khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm, rất mừng khi có khách hàng và càng vui hơn khi thấy họ nói sẽ mua nhiều và trả tiền ngay. Cuối buổi thương thảo, rồi cũng đi đến một kết quả là đồng ý với cái giá “bèo bọt” họ đưa ra với điều kiện phải mua với số lượng nhiều và chuyển tiền trước 50%. Họ đồng ý nhưng khi thực hiện, họ lại đề nghị làm thử xem chất lượng da thế nào.
 
Sau khi mua cá sấu, họ thuê người giết mổ với giá 50.000đ/con (một cái giá quá rẻ mạt). Không bỏ đi một thứ gì, họ còn cho nhiều người đến giám sát làm náo loạn công ty, ồn ào và bẩn thỉu. Trước tình hình đó, không có cách nào khác chúng tôi phải cho dừng, không làm tiếp và yêu cầu họ không được cho quá nhiều người vào làm ảnh hưởng đến nội quy doanh nghiệp.
 
Cuộc mua bán dừng lại sau khi họ đã mổ hết số cá sấu đã mua.
 
Hi vọng việc làm ăn có thể tiếp tục đồng thời để họ hiểu thêm về thị trường cá sấu Việt Nam, Công ty Cá sấu Việt Nam đã bỏ tiền mua vé máy bay để họ vào Cần Thơ tiếp xúc trực tiếp với ông Bé Hùng. Thế nhưng khi vào Cần Thơ, họ lại không tiếc lời dè bỉu dù ông Bé Hùng, một "vua cá sấu" ở Miền Nam, chuồng trại quy mô kỹ thuật có thể nói là lớn nhất Đông Nam Á. Sản phẩm của công ty này được các hãng hàng đầu về da cá sấu như Gucci, Louis Vuitton… nhập khẩu.
 
Điều ngạc nhiên là đi đến đâu họ định vị điểm đến và đánh dấu vào bản đồ lộ trình.
 
Họ làm điều đó làm gì nếu như không phải là định vị khu vực bỏ giá để từ đó khống chế giá cá sấu tại Việt Nam?
 
Hoàn toàn có thể, họ có ý đồ mua trực tiếp của người nuôi với giá rẻ rồi thuê chính những người đó xuất lậu qua biên giới.
Bằng việc làm này, họ sẽ ấn định giá cả mặt hàng, khống chế được sự lên xuống ở một mức độ nào đó. Đây là thủ đoạn mà người Trung Quốc gọi là “rắc thính nhử mồi từng điểm”.
 
Thao túng thị trường, đặt giá tại các điểm nhỏ, tạo mức độ ảnh hưởng lớn theo “biên giới mềm” là mưu đồ của thương lái Trung Quốc với “triết lý” người ở đâu, biên giới quốc gia ở đó.
 
Đặc biệt là người Trung Quốc rất giỏi phép “chia để trị” trong cả chính sách ngoại giao và thương trường.
Trong ngoại giao là họ không chấp nhận đàm phán đa phương về biển Đông để từ đó dễ bề áp đặt quan điểm sai trái của mình.
 
Trong kinh doanh, họ không hay tổ chức hội thảo hoặc thương thuyết với nhiều doanh nghiệp một lúc mà thường xé lẻ để làm việc.
 
Có lẽ do quá hiểu họ nên tổ tiên ta từng khuyến cáo “không làm ăn với thương lái Trung Quốc”.
 
Tuy nhiên, trong một thế giới hội nhập hôm nay, điều “cấm kị” đó là không thể và cũng không nên. Có điều, làm ăn với người Trung Quốc mà thiếu cảnh giác,  để “Nỏ thần vô cớ trao tay giặc” thì sẽ có ngày”cơ đồ đắm biển sâu”.

 

 

Cao Văn Tuấn