Đừng buộc các nhà khoa học làm điều gian dối

(Dân trí) - Muốn khoa học công nghệ nói riêng, nền khoa học kỹ thuật Việt Nam nói chung phát triển thì một trong những việc cần làm ngay là cải cách thể chế chính sách để các nhà khoa học tập trung cho nghiên cứu, sáng tạo, nhất là không biến các nhà khoa học thành “ăn gian, nói dối”.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành khoa học công nghệ ngày 4/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ một câu rất đau lòng: "Đừng để nhà khoa học phải lo mua hóa đơn vật vã – Vietnam Nét ngày 4/1/2017".

Có thể do là người đứng đầu Chính phủ nên Thủ tướng nói “nhẹ” đi như thế thôi chứ nội hàm của câu nói ấy, có thể hiểu là đừng để các nhà khoa học phải gian dối vì việc “mua hóa đơn” hợp pháp hóa chứng từ.

Vâng, thưa Thủ tướng! Các nhà khoa học của ta đã và đang bị buộc phải “mua hóa đơn”, tức là làm trò gian dối bởi nhiều lắm những qui định nhiêu khê, rườm rà, thiếu thực tế hiện hành. Nó như một “mê hồn trận” mà những ai lần đầu tiếp xúc, không có thần kinh tốt, có thể sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma”.

Cách đây ít lâu, trên báo Tuổi trẻ, bài “Ép nhà khoa học nói dối” đã lấy ý kiến nhiều nhà khoa học để phản ánh thực trạng này.

Trong đó, đáng chú ý là ý kiến của GS.TS Hoàng Ngọc Long (Viện Vật lý - Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam): “Khi tổ chức một hội thảo khoa học, nếu theo đúng quy định của Bộ Tài chính, tiền bồi dưỡng chỉ chi cho những người chưa được hưởng lương từ ngân sách như người học cao học chẳng hạn. Trong khi đó, quy mô, tầm mức hội thảo, hội nghị tôi cần cho đề tài có những đối tượng đa dạng, trong đó có những nhà khoa học đặc biệt. Theo đúng quy chế, sẽ không thể chi bồi dưỡng cho những nhà khoa học đã hưởng lương, như thế sao được? Kết cục là người ta có thể mời đa dạng đối tượng, nhưng danh sách duyệt chi thì toàn là học viên cao học. Dễ hiểu khi danh sách đó nhiều khi là “ảo””.

Ông Phan Minh Tân, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng cho biết: “Mỗi đề tài triển khai thì giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phải ký khoảng 100 chữ ký, mà phải là chữ ký sống thì kho bạc mới giải ngân”.

Việc lập con số “ma”, danh sách “ảo” là một cực hình đối với nhà khoa học bởi không chỉ phải huy động sự “sáng tạo” để “sáng tác” ra những tên người không có thật, hoặc không tham gia, tự biến mình thành nhân viên hành chính mà còn đau đớn hơn, biết mình làm trò gian dối mà không có cách nào khác.

Đó là chưa kể, nhìn từ góc độ pháp luật, lập danh sách “ảo” tức là làm chứng từ “khống” và có nghĩa là phạm pháp, cũng tức là đồng nghĩa với “cái án” tham nhũng lơ lửng treo trên đầu.

Trở lại những phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị trên, những thủ tục không chỉ biến các nhà khoa học trở thành nhân viên hành chính như lời của Thủ tướng "Nếu nhà khoa học suốt ngày lo nghĩ chuyện thủ tục hành chính thì am hiểu về chuyên môn có khi rơi rụng, am hiểu hành chính tăng lên” mà còn tốn công sức, thời gian, song đau xót nhất, đó là điều sỉ nhục đối với họ và làm nản lòng các nhà khoa học trẻ.

Vì vậy, để trả lời câu hỏi của Thủ tướng "Tại sao có nước khoa học công nghệ phát triển tốt như vậy, nhiều tập đoàn khoa học công nghệ lớn như vậy, như Singapore nhưng nước ta khoa học công nghệ lại phát triển chưa tốt” thì trước hết, là bởi “chính là do thể chế chính sách của chúng ta" như lời của Thủ tướng.

Vì thế, muốn khoa học công nghệ nói riêng, nền khoa học kỹ thuật Việt Nam nói chung phát triển thì một trong những việc cần làm ngay là cải cách thể chế chính sách để các nhà khoa học tập tung cho nghiên cứu, sáng tạo, nhất là không biến các nhà khoa học thành “ăn gian, nói dối”.

Song, về phía các nhà khoa học, cần “bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe hơi thở cuộc sống xem cuộc sống cần gì, ta hỗ trợ được cái gì" chứ đừng “giữa trời” để rồi không “biết đời sống thực tiễn ra sao?" như lời Thủ tướng, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám