Đứa con lạc loài

(Dân trí) - Là tiến sĩ khoa học, đương nhiên ông ta là người đọc nhiều, biết nhiều, hiểu nhiều hơn những người bình thường. Vậy mà mỗi khi có việc trọng, phải miễn cưỡng về làng, nhìn thấy cái gì, ở đâu, chỗ nào, ông cũng dè bỉu, nhất là sự ăn uống, sinh hoạt.

 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 

Nước rửa mặt, ông không dùng ở giếng làng mà lấy nước lavie đóng chai mang theo. Ăn, ông không ăn hạt gạo làng thổi ở bếp mà lấy bánh mì và đồ hộp mang theo.

Mẹ ông ta nhăn mặt:

- Ô kìa, tôi đẻ ra anh ở cái làng này, lẽ nào anh lại dè bỉu nó?!  Cũng chính ở đây, anh ăn củ khoai, hạt lúa, uống nước giếng làng để khôn lớn, lẽ gì anh lại chê bai quê hương.

Ông tiến sĩ bảo:

- Đành rằng con trót được sinh ra ở đây, trót khôn lớn ở đây, nhưng con không thể sống ở đây được quá một ngày vì sự ăn ở mất vệ sinh của dân làng. Sông thì ô nhiễm đến mức chết cả cua ốc. Ao làng bị ô nhiễm mà vẫn lấy về để tắm giặt, giếng làng nước ô nhiễm mà vẫn lấy về để ăn. Ai chứ con, một người đã ra sống ở thành thị, đã đi nước này nước khác, tiếp xúc với cuộc sống văn minh, không thể chấp nhận kiểu sống nhà quê như thế.

- Thế nếu không dùng nguồn nước ấy, anh bảo bố mẹ anh và dân làng lấy nước ở đâu mà dùng?

- Phải kiến nghị lên trên chứ!

- Thế trên chưa giải quyết được thì làm thế nào?

- Cái đó con không biết!

- Sao anh lại không biết. Người dân bình thường ở quê ta, ít học hành bằng anh thì có thể không biết chứ nhà khoa học như anh sao lại nói là không biết?

- Cái đó thuộc trách nhiệm của chính quyền chứ đâu phải là của các nhà khoa học chúng con.

- Anh nói sai rồi. Nhà khoa học cũng có trách nhiệm đấy. Nếu chối bỏ trách nhiệm thì nhà nước, nhân dân bỏ công sức đào tạo ra những người như anh trở thành nhà khoa học chẳng hóa không phải là để anh phục vụ cuộc sống mà chỉ cho anh có danh hiệu, làm chỗ tựa thăng quan tiến chức sao?

- Mẹ nói lạ!?

- Lạ đối với anh nhưng không lạ đối với những nhà khoa học có tâm với dân, lo cùng nỗi lo của người dân. Có một nhà khoa học có tâm như thế đó, thấy dòng sông quê ta bị nước thải công nghiệp của một số nhà máy đổ vào, nhiễm thạch tín cao hơn mức cho phép nhiều lần, mùi nước hôi thối, không thể ăn uống, tắm giặt được, ông đã thiết kế ra một máy lọc nước không cần dùng điện, đảm bảo nước sau khi xử lý vẫn còn nguyên các khoáng chất cần thiết. Để dân tin, ông ta còn đặt máy lọc nước bên bờ dòng sông ô nhiễm quê ta, đổ nước sông đó vào lọc rồi uống ngay trước mắt mọi người và mời mọi người cùng uống. Cho nên, ông ta khác anh ở chỗ anh chối bỏ quê hương, trở thành đứa con lạc loài thì ông ấy dấn thân về vùng quê xa lạ này để đưa sáng chế của ông ấy vào giải quyết những bức xúc của cuộc sống, anh dùng khoa học để thăng tiến thì ông ấy dùng khoa học để phục vụ nhân dân.

 

Nhìn ông ấy, mẹ xấu hổ với dân làng vì có một đứa con như anh…

 

Nguyễn Đoàn

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!